Triển lãm ảnh "Quan hệ Pháp-Việt Nam qua bốn thế kỷ"

Triển lãm giống như "một cuộc du ngoạn về quá khứ" với 150 bức ảnh của các nhiếp ảnh gia Pháp khắc họa về Việt Nam giai đoạn những năm 1860 đến đầu thế kỷ 20.
Triển lãm ảnh "Quan hệ Pháp-Việt Nam qua bốn thế kỷ" ảnh 1Khách tham quan tìm hiểu văn hóa Việt Nam tại Triển lãm. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Triển lãm ảnh "Quan hệ Pháp-Việt qua bốn thế kỷ - Vai trò tiên phong của nhiếp ảnh ở Việt Nam" đã khai mạc tối ngày 20/3 tại Trung tâm tiếp nhận và nghiên cứu Viện Lưu trữ quốc gia Pháp (CARAN) ở thủ đô Paris.

Triển lãm là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp 2014 do Viện lưu trữ quốc gia Pháp và Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp phối hợp tổ chức.

Triển lãm trưng bày 150 bức ảnh đen trắng được phóng to của các nhiếp ảnh gia người Pháp tiêu biểu như Emile Gsell (1838-1879), Gustave Ernest Trumelet-Faber (1852-1916), Charles-Edouard Hocquard (1853-1911), Aurélien Pestel (1855-1897), Firmin-André Salles (1860-1929), Pierre Dieulefils (1862-1937)…

Các bức ảnh chụp trong khoảng thời gian từ những năm 1860 đến đầu thế kỷ 20 đã khắc họa chân thực đời sống xã hội Việt Nam trong giai đoạn cận đại.

Khách tham quan có thể bắt gặp những cảnh sinh hoạt đời thường như các lễ hội, cảnh buôn bán, gánh hát rong, thiếu nữ ; ngắm nhìn vẻ đẹp mộc mạc của Hồ Gươm, cầu Thê Húc, chùa Một Cột, Ngọ Môn cách đây cả trăm năm, hoặc chiêm ngưỡng dung nhan và sắc phục các vị hoàng đế, quận vương, quan đại thần triều Nguyễn như Thành Thái, Đồng Khánh, Nguyễn Trọng Hợp, Phan Thanh Giản…

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Pierre Gény, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp cho biết các bức ảnh này được khai thác từ các kho lưu trữ phong phú của Viện lưu trữ quốc gia Pháp, Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp và mượn của các bảo tàng Quai Branly, Guimet, Aix-en-Provence, trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp.

Trong số các bức ảnh được trưng bày tại triển lãm, có rất nhiều bức ảnh chưa bao giờ được xuất bản. Theo ông Pierre Gény, các bức ảnh này giống như những "nhân chứng lịch sử" đưa du khách đi tìm hiểu xã hội Việt Nam trong một "chuyến du ngoạn về quá khứ."

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đánh giá cao ý tưởng tổ chức triển lãm và khẳng định sự kiện này sẽ làm phong phú thêm các hoạt động của Năm Việt Nam tại Pháp.

Đại sứ cũng cho rằng, cùng với các cuộc triển lãm khác về văn hóa và nghệ thuật, triển lãm ảnh "Quan hệ Pháp-Việt qua bốn thế kỷ" góp phần xây dựng một "ký ức được chia sẻ" về một giai đoạn nhiều thăng trầm giữa hai nước Việt Nam và Pháp.

Triển lãm cũng cho thấy hai dân tộc đã vượt qua các xung đột và thử thách để xây dựng quan hệ gắn kết phong phú ngày hôm nay.

Một phần không gian khác của triển lãm được dành để trình chiếu các đoạn băng video về các tấm panô khổ lớn từng được trưng bày vào đầu năm nay tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tại Hà Nội, sau đó là tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Viện trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF).

Theo ông Pierre Gény, các tấm panô khổ lớn mô tả một giai đoạn lịch sử dài hơn, bắt đầu từ khi linh mục Alexandre de Rhodes đặt chân đến Đàng Trong vào tháng 12/1624 để truyền giáo, đồng thời cũng góp phần tạo ra chữ Quốc ngữ.

Kể từ đó, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp trong 400 năm chưa bao giờ bị gián đoạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục