Triển lãm ảnh về nạn nhân chiến tranh tại Nhật Bản và Việt Nam

Triển lãm gần 50 bức ảnh màu, đen trắng và bản trích phản ánh về những thiệt hại vô cùng to lớn, những hậu quả lâu dài mà những nạn nhân của hai cuộc chiến ở Việt Nam và Nhật Bản phải gánh chịu.
Triển lãm ảnh về nạn nhân chiến tranh tại Nhật Bản và Việt Nam ảnh 1Khách tham quan triển lãm ảnh về nạn nhân chiến tranh tại Nhật Bản và Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 21/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam cùng Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và Khinh khí (Gensuikyo), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức khai mạc Triển lãm “Ảnh về nạn nhân chiến tranh tại Nhật Bản và Việt Nam.”

Triển lãm gần 50 bức ảnh màu, đen trắng và bản trích có nội dung phản ánh về những thiệt hại vô cùng to lớn, những hậu quả lâu dài mà những nạn nhân của hai cuộc chiến ở Việt Nam và Nhật Bản phải gánh chịu.

Các tác phẩm ảnh, bức họa cũng thể hiện rõ những chứng tích tội ác mà chiến tranh đã gây ra cho người dân vô tội tại Nhật Bản và Việt Nam.

[Triển lãm “Nỗi đau của bạn trong tim tôi, Việt Nam” tại Nga]

Tại lễ khai mạc, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, nhấn mạnh: “Hòa bình là nền tảng cho một tương lai bền vững. Được sống trong hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại. Hòa bình và xây dựng một nền hòa bình lâu dài, hướng tới phát triển bền vững chính là khát vọng, là mục tiêu cao cả của toàn nhân loại,”

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, mỗi người cần lên tiếng nói, thể hiện vai trò công dân, hành động vì hòa bình nói riêng và giải quyết các vấn đề của nhân loại nói chung. Mỗi người phải tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng đoàn kết cùng với nhân dân các nước trên thế giới vì một thế giới không vũ khí hạt nhân, hòa bình và ổn định.

Triển lãm ảnh về nạn nhân chiến tranh tại Nhật Bản và Việt Nam ảnh 2 Các em ở làng Từ Dũ-Hòa Bình (nạn nhân chất độc da cam/dioxin) tặng quà lưu niệm các đại biểu Gensuikyo tham dự triển lãm ảnh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Ủy ban Hòa bình Việt Nam, sau thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản) ngày 6 và 9/8/1945 làm 210.000 người thiệt mạng, con người đã nhận ra sự nguy hiểm của bom nguyên tử. 10 năm sau, Hội nghị Thế giới chống bom Nguyên tử và Khinh khí lần đầu tiên được tổ chức (năm 1955).

Đến nay, phong trào hòa bình và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã không ngừng phát triển, nỗ lực đấu tranh chống vũ khí hạt nhân vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân, vì nền hòa bình cho nhân loại.

Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhân dân Việt Nam thấu hiểu sâu sắc những hậu quả thảm khốc của vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân và luôn nhất quán với chính sách phản đối chiến tranh, phản đối vũ khí hạt nhân.Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ủng hộ, ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vào năm 2017.

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 24/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục