Triển lãm Mỹ thuật 2010: Nhiều nhưng chưa đặc sắc

Một cuộc tổng kết 5 năm mỹ thuật nhưng thực tế chỉ là...dấu cộng to đùng, chưa cuốn hút với người sáng tạo và người yêu tranh, tượng.
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với  Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong nửa đầu tháng12/2010 tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Nhưng đến nay, đã hơn một tuần trưng bày mà triển lãm lớn này chưa thu hút được người xem.

Cuộc triển lãm "5 năm mới có những ngày..."

Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn trưng bày 836 tác phẩm của 735 tác giả. Nhưng vấn đề đang đặt ra là liệu Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 có phản ánh toàn diện hoạt động sáng tạo của Mỹ thuật Việt Nam. Cho dù Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã trao 3 huy chương Vàng, 6 huy chương Bạc, 9 huy chương Đồng và 30 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc nhất tại triển lãm.

Theo hoạ sĩ Lê Anh Vân, chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: "Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 phản ánh toàn diện hoạt động sáng tạo của mỹ thuật Việt Nam trong năm năm qua.

“Nhiều tác phẩm có hình thức nghệ thuật phong phú, đa dạng, có tìm tòi trong ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật thể hiện. Nhiều tác phẩm biểu đạt sinh động công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.”-Họa sĩ Vân Anh nói rõ hơn.

Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức triển lãm cho biết: “Triển lãm năm nay chủ yếu trưng bày các tác phẩm của các hoạ sĩ thời kỳ đổi mới. Có thể nói triển lãm này có sự chuyển giao thế hệ rất ngoạn mục. Về mặt nghệ thuật, rất phong phú và đa dạng về phong cách. Lớp trẻ đang làm cho hội hoạ và điêu khắc Việt Nam có một bước chuyển”.
 
Cũng nhiều, cũng lớn, cũng khang trang…

Không gia trưng bày đep, số lượng tác phẩm khá lớn nhưng các bức tranh và một số tác phẩm điêu khắc có mặt trong triển lãm mỹ thuật chưa thật sự cuốn hút được sự quan tâm của nhiều người yêu mỹ thuật.

Một triển lãm năm năm diễn ra một lần, cũng có tính "nhiệm kỳ", rất…hành chính như một số họa sĩ nhận xét.  Còn đó những thắc mắc kiểu như: triển lãm sao chưa phản ánh được những thay đổi trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam? Năm năm chỉ có vây sao?

Một số nhà phê bình mỹ thuật nhận xét: Về mặt nghệ thuật so với năm năm trước thì chẳng có gì khác ngoài việc tranh càng ngày càng to ra. Còn màu sắc thì chưa thuyết phục. Ví dụ như bức tranh “Tiếp thị” (Đinh Minh Đông-Hà Nội) rực rỡ xanh đỏ đã đoạt giải thưởng Hội Mỹ Thuật Việt Nam song vẫn gây băn khoăn cho một số người xem.

Khi được phỏng vấn, có nhà phê bình thẳng thắn cho biết: “Hàng chục năm trước, giới họa sĩ khá trông đợi triển lãm Mỹ thuật toàn quốc bởi khi đó ít ai có điều kiện tự tổ chức triển lãm cá nhân. Nhưng từ khi các họa sĩ có thể đứng độc lập thì triển lãm này không còn là nơi tụ hội của những họa sĩ tài năng nữa.

Anh Hải- một người trong nghề đang lang thang trong các gian trưng bày rộng mênh mông và vắng vẻ trao đổi: Lớp họa sĩ trẻ, tài năng không mặn mà với triển lãm này vì một triển lãm chú trọng nhiều đến số lượng và số đông người tham dự thì không thể "hút" được những người tài có cá tính sáng tạo.

Bức tranh ít nhiều gây chú ý lại là những bức khá “cổ điển” trong cách thể hiện: “Cơn  lốc dục vọng”  của Nguyễn Khắc Chính, Hà Nội với kích thước190cm x 211cm. Hay bức tranh “Tuổi yêu” của Trịnh Tuấn Long-Hà Nội với những cô gái mặc yếm xưa, gương mặt đượm nỗi buồn xưa có kích thước 2mx1,6m. Bức “Những thế hệ người mẹ” hay bộ tranh “Nét Việt” cũng vẫn mang vẻ hơi...cổ cổ.

Mới lạ hơn có bức tranh “Sống để cười-Cười là hạnh phúc” của Nguyễn Hoàng, thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chân dung cười đông-tây, kim-cổ song lại có phần như tác phẩm còn dang dở, chưa hoàn thành.

Ngoài ra, trưng bày cũng lặp lại khá nhiều. Vào phòng tranh nhiều người thấy nhàm nhàm, quen quen vì có những bức được bày trong dịp Đại lễ tháng 10 vừa qua, có bức đã trở đi trở lại dăm bảy triển lãm. Một bức từng gây “sốc” thì lần này quá quen đó là bức “Chứng khoán đỏ.

Dường như nếu mong muốn nhìn thấy diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam thì triển lãm hẳn sẽ mang đến ít nhiều sự chưng hửng. Bởi một số thay đổi mới của hội họa, của nghệ thuật sắp đặt đương đại không hiện diện để gây ấn tượng. Lực lượng góp mặt ấn tượng nhất là lớp nghệ sĩ  “biết rồi, khổ lắm…” là chính. Những thay đổi mang hiện đại gần như vắng bóng.

Đã đến thời kỳ mà nhu cầu treo những bức tranh trong gia đình khá phổ biến. Việc tăng tranh cho nhau, cho đối tác làm ăn trở thành một món quà được đề cao. Nghĩa là đã có một nhu cầu mạnh mẽ từ xã hội về nguồn cung tranh. Nhưng thật tiếc là tại một triển lãm lớn đặc biệt như lần này với những bức tranh đoạt giải lại chưa gây chú ý như dự đoán./.


Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục