Triển vọng kinh tế toàn cầu gây sức ép lên chứng khoán châu Á

Các thị trường chứng khoán châu Á chịu sức ép đi xuống do những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu, dù số liệu thương mại của Trung Quốc tốt hơn dự kiến.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các thị trường chứng khoán châu Á chịu sức ép đi xuống trong phiên giao dịch ngày 13/10, do những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu, dù số liệu thương mại của Trung Quốc tốt hơn dự kiến.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải từ chỗ giảm hơn 1%, chốt phiên chỉ còn giảm 0,36%, hay 8,53 điểm, xuống 2.366,01 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đảo ngược đà giảm trước đó, chốt phiên tăng 0,24%, tăng 54,84 điểm, lên 23.143,38 điểm.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,63%, hay 32,8 điểm, xuống 5.155,5 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,71%, hay 13,71 điểm, xuống 1.927,21 điểm. Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, do sự yếu kém của kinh tế Nhật Bản, Mỹ Latinh và châu Âu. Thiết chế tài chính này nhận định đà phục hồi vẫn yếu và không đồng đều ở các nền kinh tế phát triển.

Các thị trường toàn cầu đã cảm nhận được tác động trong những tuần gần đây do các nhà giao dịch không khỏi lo ngại khi Trung Quốc, Khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản đang phải nỗ lực để lấy lại động lực cho nền kinh tế, trong lúc kinh tế Mỹ tiếp tục con đường phục hồi.

Các nhà đầu tư đang để mắt đến châu Âu sau khi Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, báo cáo số liệu thương mại yếu kém do nhu cầu toàn cầu thấp.

Xuất khẩu của nước này trong tháng Tám giảm 5,8% so với tháng Bảy, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2009, còn nhập khẩu giảm 1,3%. Trước đó, các số liệu khác đã cho thấy sự sụt giảm sản lượng công nghiệp, đơn đặt hàng các nhà máy và lòng tin kinh doanh ở nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Trong phiên này, đáng chú ý là thị trường Hong Kong và Thượng Hải đã "gỡ" lại được một phần những gì đã để mất, nhờ số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2014 tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2013, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2013, cao hơn so với mức tăng dự kiến là 12,5%, còn nhập khẩu tăng 7%, trong khi được dự báo giảm 2,4%.

Sự cải thiện này được cho là nhờ một loạt giải pháp chính sách trong nước và nhu cầu gia tăng từ các nền kinh tế lớn đang tiếp tục đà hồi phục, và đà tăng này được nhận định sẽ tiếp tục trong quý 4.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang thận trọng dõi theo các diễn biến tại Hong Kong, khi va chạm xảy ra sau khi cảnh sát bắt đầu dỡ bỏ các chướng ngại vật chặn các đường phố chính trong hai tuần qua.

Các cuộc biểu tình nổ ra từ cuối tháng Chín là lý do khiến chỉ số Hang Seng giảm điểm, nhưng chỉ số này đã khôi phục lại gần hết số điểm bị mất, khi tình hình lắng xuống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục