Triển vọng kinh tế toàn cầu kém sáng sủa kéo giá dầu châu Á giảm

Nhà phân tích Tina Teng của công ty tài chính CMC Markets nhận định số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ và thu nhập doanh nghiệp đáng thất vọng từ lĩnh vực công nghệ đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng.
Triển vọng kinh tế toàn cầu kém sáng sủa kéo giá dầu châu Á giảm ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch sáng 24/4, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, do lo ngại đà tăng của lãi suất và triển vọng của kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu nhiên liệu làm lu mờ chính sách cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất.

Trong phiên sáng 24/4, giá dầu Brent có lúc giảm 48 xu Mỹ (0,6%) xuống 81,18 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 48 xu Mỹ (0,6%) xuống 77,39 USD/thùng.

Giá cả hai loại dầu trên đã giảm hơn 5% trong tuần trước, tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần, do nhu cầu xăng của Mỹ giảm so với một năm trước, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Nhà phân tích Tina Teng của công ty tài chính CMC Markets nhận định số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ và thu nhập doanh nghiệp đáng thất vọng từ lĩnh vực công nghệ đã làm dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng.

Bên cạnh đó, sự ổn định của đồng USD và đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đang gây sức ép lên thị trường hàng hóa.

Các ngân hàng trung ương của Mỹ, Anh và châu Âu đều dự kiến sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Năm, nhằm kiềm chế lạm phát.

[Giá dầu trên thị trường thế giới giảm hơn 5% trong tuần qua]

Đà phục hồi thiếu chắc chắc của kinh tế Trung Quốc đang "che mờ" triển vọng nhu cầu dầu của nước này, mặc dù dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy quốc gia này đã nhập khẩu kỷ lục trong tháng Ba, với khối lượng dầu nhập từ các nhà cung cấp hàng đầu là Nga và Saudi Arabia đạt 2 triệu thùng/ngày từ mỗi nước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn lạc quan về đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023 khi kế hoạch cắt giảm nguồn cung bổ sung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là OPEC+, từ tháng Năm có thể thắt chặt thị trường.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cho biết đà phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ bù đắp nhiều hơn cho sự suy giảm nhu cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong thời gian tới, trong khi các biện pháp trừng phạt và hạn chế nguồn cung làm tăng rủi ro về giá.

NAB dự báo giá dầu Brent có thể tăng lên 92 USD/thùng vào cuối quý 2/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục