Triển vọng quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc

Các biện pháp trừng phạt qua lại giữa EU và Trung Quốc trong những tháng sau thỏa thuận cho thấy không còn cơ hội sớm phê chuẩn Hiệp định Toàn diện về Đầu tư.
Triển vọng quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc - EU lần thứ 23 diễn ra trực tuyến, ngày 1/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc diễn ra hôm 1/4 tập trung xoay quanh cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Các cuộc thảo luận cũng đề cập đến khía cạnh thương mại, trong bối cảnh ngày càng gia tăng sự hoài nghi và lo ngại về sự phân chia hoàn toàn nền kinh tế trong tương lai.

15 tháng sau khi Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc được ký kết, thật khó để phân biệt một chiến lược thương mại nhất quán của EU đối với Trung Quốc ngoài các nguyên tắc chung khi coi nước này là “một đối tác đàm phán, một đối thủ kinh tế và một đối thủ mang tính hệ thống.”

Các biện pháp trừng phạt qua lại giữa EU và Trung Quốc trong những tháng sau thỏa thuận cho thấy không còn cơ hội sớm phê chuẩn CAI.

EU đang triển khai các chính sách thương mại và đầu tư mang tính phòng thủ, có thể được coi là chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, ví dụ như các công cụ chống cưỡng ép chuyển giao công nghệ, quy định trợ cấp nước ngoài mới và lệnh cấm sắp tới đối với các sản phẩm có sử dụng lao động cưỡng bức.

Mỹ và Nhật Bản cũng tiếp tục làm việc để giải quyết các thông lệ phi thị trường, có thể thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

[Nội dung chính của Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 23]

EU cũng đã khởi động chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tìm cách tăng cường quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc, mặc dù còn hơi dè dặt.

Mặt khác, nếu EU coi Trung Quốc là một đối tác khi tính đến các liên kết thương mại quan trọng và quy mô dân số của quốc gia này thì hai bên có thể sẽ có những động thái tích cực hơn.

Một EU đang hoạt động toàn cầu chắc chắn sẽ tìm cách can dự mạnh mẽ với Ấn Độ và Trung Quốc vì đây là hai quốc gia đông dân nhất thế giới.

Dù vậy, khó có thể loại bỏ sự phức tạp và mơ hồ trong cách tiếp cận của EU đối với Trung Quốc. Brussels có thể cần xây dựng dựa trên các đường lối mở cửa cho thương mại Trung Quốc nếu có thể, trong phạm vi quy chuẩn toàn cầu, nhưng cũng cần chuẩn bị cho kịch bản mối quan hệ trở nên khó khăn hơn.

Trở lại vấn đề cơ bản

Nguyên tắc ban đầu của EU với tất cả các nước đối tác là mối quan hệ thương mại cùng có lợi. Tăng trưởng của Trung Quốc kể từ những năm 1980 đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong khi tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Cho đến nay, các nhóm hàng quan trọng nhất mà EU nhập khẩu từ Trung Quốc là các sản phẩm điện dân dụng, cụ thể là điện thoại và máy vi tính.

Những sản phẩm này có thể bao gồm cả tài sản trí tuệ của EU giúp sản xuất nội địa của Trung Quốc mạnh lên. Chúng phản ánh các khoản đầu tư cụ thể của Trung Quốc trong những năm 1990 vào việc sản xuất hàng hóa phức hợp quy mô lớn.

Ngay cả trong những lĩnh vực mà Trung Quốc hiện đang tìm kiếm lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như xe điện, thì cũng hợp lý khi cho rằng các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của họ sẽ tìm chỗ đứng ở châu Âu.

Để EU đi đầu thế giới, EU phải xem xét các thỏa thuận thương mại có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Việc dỡ bỏ các rào cản thương mại luôn đem lại những lợi ích vượt trội, ngay cả khi hoàn cảnh nào cũng có người thắng và người thua.

Các chính phủ không nên điều hành chuỗi cung ứng

Trong khi chúng ta có thể hy vọng vào những cải thiện trong tương lai, quan hệ giữa EU và Trung Quốc có thể sẽ vẫn căng thẳng trong một thời gian. Trong khi đó, quan điểm của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine và việc EU ban hành các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang củng cố quan điểm cho rằng Brussels cần chuẩn bị cho việc cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.

Quy mô và sự phức tạp của các chuỗi cung ứng thương mại hiện đại cho thấy bất cứ sự “tách rời” kinh tế nào cũng cần mất nhiều thời gian, mặc dù các công ty đang bắt đầu đưa ra các kế hoạch phù hợp.

Kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, ban lãnh đạo EU và giới chức các quốc gia đã thể hiện sự quan tâm làm việc với doanh nghiệp và đặt ra các mục tiêu lớn để thúc đẩy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sự tham gia sâu hơn của các chính phủ lại có khả năng gây tốn kém và tổn hại.

Tương tự như vậy, việc thiết kế và sử dụng các công cụ mới như chống cưỡng chế và chống trợ cấp cũng cần được quan tâm. Tuy nhiên, nguy cơ lạm dụng và áp dụng các biện pháp này quá thường xuyên có thể làm mất sự tin tưởng vào các quyết sách của chính phủ.

Tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển các quy tắc thương mại toàn cầu

Cũng giống như với Mỹ, quan hệ thương mại của EU với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Với tư cách là những siêu cường trong lĩnh vực này, cả ba bên phải gánh thêm trách nhiệm tìm kiếm các quy tắc công bằng giúp thị trường mở và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Trung Quốc đã ký thỏa thuận trọng tài kháng cáo tạm thời đa bên do EU vận động để thay thế một cơ quan kháng cáo không có chức năng tại WTO, đây là một phần của quan hệ đối tác kinh tế khu vực toàn diện với các nước khác trong khu vực.

Trung Quốc cũng đang tìm kiếm tư cách thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mặc dù việc trở thành thành viên sớm dường như khó xảy ra.

Mặc dù có những câu hỏi hợp lý về việc liệu Bắc Kinh có tuân thủ tất cả các quy tắc đã cam kết hay không, nhưng rõ ràng Trung Quốc công nhận giá trị của các thỏa thuận đó. Có vẻ như các nước láng giềng cũng có xu hướng xem xét giá trị của các thỏa thuận với Trung Quốc.

Các biện pháp phòng thủ đơn phương hoặc song phương đều hữu ích trong việc giúp các nước tuân thủ các quy tắc thương mại. Nhưng cuối cùng, ở cấp độ đa phương, các quy tắc áp dụng cho tất cả các quốc gia cần được thống nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục