Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
Đây là một dự án luật khó, tác động lớn đến đời sống của người dân và các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều thay đổi lớn, trong đó có việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, thể chế hóa quan điểm tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động
Dự thảo luật quy định, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ và có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn mà không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ và có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Là chính sách nhân văn được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Quy định này thể hiện rõ hơn sự kết nối giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội cơ bản, bảo hiểm hưu trí bổ sung, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong các giai đoạn của cuộc đời khi còn trẻ đến khi về già, hết tuổi lao động.
Bên cạnh đó, việc quy định về trợ cấp hưu trí xã hội và mối liên kết với bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng sẽ giúp cho người lao động thấy rõ hơn quyền được lựa chọn và lợi ích khi hưởng trợ cấp hằng tháng thay cho việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết để khuyến khích việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội thay cho việc hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi về già, dự luật chỉ quy định độ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là từ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi đối với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, bổ sung quy định thể hiện liên kết tầng giữa chính sách hưu trí xã hội với bảo hiểm xã hội cơ bản (được quyền chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ chính phần đã đóng bảo hiểm xã hội của mình thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần; trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế...).
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, dự thảo Luật quy định rõ hơn về mối quan hệ liên kết giữa các tầng bảo hiểm xã hội, giúp người tham gia thấy rõ lợi ích khi bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chính sách khi không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thay vì trông chờ trợ cấp hưu trí xã hội.
Giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Trước ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do đây là chế độ phi đóng góp, trái với nguyên tắc đóng - hưởng, dễ gây tâm lý cho người lao động chủ quan cứ rút một lần vẫn sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định của Luật.
Việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW bao gồm: “mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân;” đến năm 2030 phấn đấu đạt “khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội” và “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.”
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam); trong đó, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội chỉ khoảng hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu (số người hưởng lương hưu là 2,7 triệu người; số người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 630.000 người; số người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp người cao tuổi) là hơn 1,8 triệu người).
Như vậy, vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội. Việc phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ trên cở sở đề xuất của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Kạn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, cho rằng đối với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác thì việc hạ độ tuổi sẽ giúp người cao tuổi có khoản trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ về kinh tế để cải thiện cuộc sống và được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi để khám, chữa bệnh.
Ước tính hiện nay có khoảng 1,5 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác, đang được hưởng trợ cấp xã hội. Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ có thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Để thực hiện chính sách này, kinh phí phát sinh thêm mỗi năm ước tính khoảng 3.456 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Nhìn về quy định "tùy thuộc điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp các nguồn lực địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” (Điều 22), bà Huế nhận định quy định như vậy sẽ có độ mở để các địa phương chủ động trong việc cân đối, bố trí thêm kinh phí thực hiện chính sách này; sẽ là phù hợp với các địa phương cân đối được nguồn thu chi và kết dư ngân sách.
Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách hạn hẹp. Nếu tất cả các chính sách đều quy định như vậy sẽ dẫn tới việc so sánh giữa người dân tỉnh này với tỉnh khác. Những người trẻ của địa phương khó khăn sẽ tìm kiếm cơ hội ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển và không trở về nơi mình sinh ra để xây dựng quê hương.
Về lâu dài, sự chênh lệch về sự phát triển, đặc biệt là nguồn lực con người giữa các địa phương sẽ ngày càng lớn. Do đó, trong các chính sách đề nghị Chính phủ cần hết sức cân nhắc.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trợ cấp hưu trí xã hội là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo định hướng Nghị quyết 28. Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28 để thảo luận, cân nhắc và trình với Quốc hội.
Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là người cao tuổi, không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Trước mắt kỳ họp này Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75, với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế-xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước./.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được đề xuất điều chỉnh những gì?
Không còn “mức lương cơ sở,” bổ sung cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động; biện pháp xử lý trường hợp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc... sẽ là một số điều chỉnh của dự thảo Luật.