Mưa tại tỉnh Quảng Bình đã ngừng rơi, bầu trời như sáng hơn và dòng người chờ vào dâng hương, tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình như dài thêm. Đến trưa 12/10, tại Quảng Bình đã có hơn 250 đoàn với trên 5.000 đại biểu tới kính viếng, bày tỏ lòng tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Sáng nay, tuy trời mưa nặng hạt nhưng khu vực Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình tại thành phố Đồng Hới, đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên, vẫn nối hàng dài chờ đợi để được vào viếng Đại tướng. Trong khung cảnh trời đất như giao hòa ấy, lòng người càng thêm xúc động khôn nguôi. Sáng nay, khi trời còn chưa tỏ, trong mưa lớn, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Tường, hiện trú ở phường Đồng Mỹ đã có mặt trước Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình để chờ được dâng hương, viếng Đại tướng dấu yêu của mình. Ông Tường cho biết, ở quê hương Lệ Thủy, nhà ông chỉ cách nhà Đại tướng một con sông Kiến Giang. Ngay từ thuở thiếu thời, hình ảnh Đại tướng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông. Nói về Đại tướng, ông Tường bảo, Đại tướng là người có tiềm năng quân sự thiên phú. Năng khiếu bẩm sinh và tiềm năng ấy gặp vận hội cách mạng của Đảng mà trở thành khả năng, được Bác Hồ giao đúng trọng trách thì biến thành tài năng. Tài năng của người cộng với nội lực văn hóa, xuất phát từ quê hương, gia đình dòng họ cùng đất nước mà quyện vào nhau thành vĩ đại, đầy tính nhân văn. Tính nhân văn của người như sợi dây kết nối tình cảm để mọi người gần gũi yêu mến gọi ông là Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của muôn người. "Và tôi cũng vậy, từ sự kính yêu vô bờ bến nên khi người ra đi, tôi như mất đi một người cha, người ông của mình." - Ông Tường ngậm ngùi. Cũng là người đến rất sớm, ông Nguyễn Khắc Thái, tiến sỹ sử học sống ở thành phố Đồng Hới tâm sự, dù có đợi bao nhiêu lâu, ông vẫn kiên nhẫn để không mất đi cơ hội một lần được dâng hương, kính viếng người. Với ông, Đại tướng thật đặc biệt bởi chính người đã khuyến khích, khuyên nhủ ông cố gắng vươn lên để có được những nghiên cứu lịch sử xứng tầm, ghi lại đúng cuộc vận động phát triển của xã hội, trong đó có quê hương Quảng Bình. Ông Thái tiết lộ, với tình cảm tiếc thương vô hạn, hiện ông đang dồn hết tâm lực, trí tuệ để sớm hoàn thành Bộ lịch sử Quảng Bình từ thời tiền khởi cho đến nay. Trong cuốn sách này, có một phần trang trọng để viết về Đại tướng, người đặt viên gạch đầu tiên cho phong trào cánh mạng, phát triển và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ở tỉnh Quảng Bình.
Khác với ông Tường và ông Thái, ông Đoàn Minh Tâm, thương binh ở phường Đức Ninh Đông được ưu tiên vào viếng từ rất sớm nhưng ông vẫn cố gắng ở lại lâu hơn để được ngắm nhìn chân dung Đại tướng kính yêu, chia sẻ những cảm xúc yêu thương kính trọng. Và rồi cũng đến phút giây ông phải ra về để nhường cho người khác vào viếng, mọi người thấy ông Tâm dấu mặt khóc, đôi chân gỗ của người thương binh này cũng chẳng muốn về.
Trong hàng dài những người đang chờ đợi vào viếng Đại tướng, chúng tôi gặp đoàn thầy cô giáo, học sinh của trường tiểu học và trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Đồng Hới. Cô giáo Đặng Thị Trà, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục nhà trường cho biết: "Trong sâu thẳm những người con quê hương Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung, tình cảm với Đại tướng thật to lớn, sâu sắc. Chính vì vậy, chúng tôi đã đến dâng hương người ở Nhà lưu niệm Đại tướng - thôn An Xá, xã Lộc Thủy. Hôm nay chúng tôi đến đây viếng và ngày mai chúng tôi tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh được đón người về quê hương và tiễn người về nơi an nghỉ cuối cùng."
Trong niềm thành kính, thày và trò trường Chu Văn An, cũng như bao người dân trên dải đất miền Trung hướng về Đại tướng với tình cảm và sự tri ân sâu sắc./.
Đức Thọ-Võ Thị Dung-Mạnh Thành (TTXVN)