'Trời và Đất': Pha của Tùng Dương sau hơn thập kỷ âm nhạc

Hai đêm “Trời và Đất” (tối 23-24/9) tại Cung Văn hóa Hà Nội, khán giả lại được thấy lại tinh thần dấn thân và quyết liệt của một Tùng Dương không chịu sự an bài của thị hiếu số đông.
'Trời và Đất': Pha của Tùng Dương sau hơn thập kỷ âm nhạc ảnh 1Tùng Dương trong live concert 'Trời và Đất.' (Ảnh: HS)

Hiện diện làng nhạc từ những ngày đầu như một ca “dị” từ dáng vẻ bề ngoài đến giọng hát, Tùng Dương góp vào bức tranh nhạc Việt đương thời một “gam màu” lưỡng tính (unisex) – được cho là ít thấy (hoặc cũng có thể chưa từng xuất hiện) trước đó.

Sau hơn thập kỷ ca hát với một vệt dài khai phá và thể nghiệm những thể loại âm nhạc mới, không lặp lại, lọt vào tốp nghệ sỹ hạng A cùng danh xưng divo; vẻ như Tùng Dương ở thì hiện tại thực sự “lộ sáng” để trở thành “biểu tượng unique” (đơn nhất, độc nhất) không giống ai và cũng không ai bằng của nhạc Việt đương đại.

Giống như pha của Mặt Trăng, con đường theo đuổi nghệ thuật “đa phong cách, phi thể loại” của Tùng Dương đa đoan và khó nắm bắt. Chỉ soi chiếu qua âm nhạc, chân dung của Tùng Dương mới hiển hiện một cách tròn đầy. Hai đêm “Trời và Đất” (tối 23-24/9) tại Cung Văn hóa Hà Nội, khán giả lại được thấy lại tinh thần dấn thân và quyết liệt của một Tùng Dương không chịu sự an bài của thị hiếu số đông.

Tùng Dương, 4 Diva, “Trời và Đất”

'Trời và Đất': Pha của Tùng Dương sau hơn thập kỷ âm nhạc ảnh 2Tùng Dương và 4 Diva. (Ảnh: HS)

Trước đêm nhạc này, trong buổi họp báo về chương trình Tùng Dương chia sẻ “Trời và Đất” là một chỉ dấu để bày tỏ triết lý về vũ trụ, con người và thiên nhiên. Việc Tùng Dương đứng chung sân với cả 4 diva cũng biểu trưng cho tương quan ngũ hành: Hỏa (Thanh Lam) – Thủy (Mỹ Linh) – Mộc (Hồng Nhung) – Kim (Hà Trần) - Thổ (Tùng Dương).

Nhưng với người viết bài, đó đều là những ví von mang tính bề mặt của vỏ concept. Thay vào đó, cái mới của Dương nằm ở tinh thần cống hiến quyết liệt. Lâu lắm rồi, công chúng yêu nhạc và fan ruột của Tùng Dương mới được đãi một đêm đậm đặc dấu ấn bản vị của cá tính bậc nhất của làng nhạc Việt.

Tùng Dương đã chọn trình diễn những tác phẩm âm nhạc “kén tai” nhất trong sự nghiệp như “Liti,” “Giăng tơ,” “Độc đạo,” “Mắt đêm” nhưng rất khác với cách khán giả đã xem, đã nghe trước đây. Trong đó với những fan ruột thì sau nhiều năm được nghe lại hát live “Liti” “Mắt đêm” quả là sự xúc động. Tùng Dương cũng dũng cảm hát hai ca khúc mới toanh và đều không mang tính phổ cập cao là “Thiêu thân” và bài hát chủ đề “Trời và Đất.”

Chất dân gian đương đại, world music được tiết chế thay vào đó là màu rock đậm đặc. Ngoài dấu ấn Tùng Dương, “Trời và Đất” cho thấy một diện mạo của âm nhạc đương đại khi khoe được một lúc nhiều cá tính âm nhạc. Đó màu hòa âm đặc trưng của giám đốc âm nhạc Thanh Phương, bộ đôi nhạc sỹ được cho là “đo ni đóng giày” cho Tùng Dương là Lưu Hà An và Sa Huỳnh.

Không quá lời khi nói đêm qua Tùng Dương đã cống hiến cho khán giả “bộ sưu tập giới hạn gắn mác Tùng Dương” bùng nổ về thử nghiệm và sáng tạo, có tính cấp tiến và tầm tư tưởng ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp của Tùng Dương 15 năm qua.

'Trời và Đất': Pha của Tùng Dương sau hơn thập kỷ âm nhạc ảnh 3'Trời và Đất' mang tinh thần tiên phong nhất quán của Tùng Dương. (Ảnh: HS)

Trong âm nhạc, Dương luôn là người cầu toàn và say nghề. Nhưng say nghề một cách tỉnh táo. Dương luôn biết cách đặt để và có tài biến hóa để đạt được điều mình muốn. Cái cách Tùng Dương lựa chọn một vệt ca khúc của hai tác giả Lưu Hà An và Sa Huỳnh theo trục không gian và thời gian, lý giải về sự khởi sinh, tương quan con người và vạn vật, tự nhiên, vũ trụ cùng lối hòa âm đặc trưng tinh thần indie rock sở trường của đạo diễn Thanh Phương khiến “Trời và Đất” mang tính nhất quán về concept.

​Việc lần đầu tiên đứng chung sân với 4 diva chẳng hề làm khó Dương. Âm thịnh nhưng Dương chẳng hề suy suyển. Ngoài bản lĩnh và giọng hát, tạng của Dương cho phép “cân” được bốn cá tính diva nhạc nhẹ. Dương vừa có cái bản năng của Thanh Lam, cực đoan của Trần Thu Hà, lại vừa có cả tinh tế của Hồng Nhung và đằm tính của Mỹ Linh.

Ngoài hiệu ứng phần song ca với khách mời đầu tiên có phần “lạc điệu” cộng với âm thanh lúc này chưa ổn định thì sang đến màn “so giọng” vốn gây hiếu kỳ nhất giữa Tùng Dương và Hồng Nhung lại ăn ý bất ngờ và đem lại nhiều dư vị tươi mới. Ngay sau đó, sự tái hợp của Tùng Dương với hai đàn chị Thanh Lam, Hà Trần cũng mang lại sự hài lòng cho đại bộ phận khán giả. Dù hát cuối cùng với hai ca khúc trong dự án Bản nguyên - “Rũ cánh” “Đêm” (song ca với Tùng Dương) Hà Trần lại là khách mời “sáng” nhất đêm từ diện mạo đến tạo bầu không khí. Nhưng dấu ấn mạnh mẽ nhất chính là sự xuất hiện của Thanh Lam với ca khúc “Một khúc sông Hồng” hoàn toàn đủ “nhiệt” đốt cháy Tùng Dương ngùn ngụt và lên đồng như 'hổ thả về rừng". Thanh Lam vẫn chứng minh mình vẫn là “một nửa” không thể thiếu chắp cánh cho Tùng Dương thăng hoa trên sân khấu.

Tinh thần tiên phong

'Trời và Đất': Pha của Tùng Dương sau hơn thập kỷ âm nhạc ảnh 4Tùng Dương trong trang phục mang màu sắc 'vị tương lai.' (Ảnh: HS)

Không chỉ hát những bài hát không thuộc về số đông, “Trời và Đất” còn hé mở cho công chúng thấy tư duy sáng tạo và con đường nghệ thuật tiếp theo của Tùng Dương. Rằng tính tư tưởng không chỉ dựa trên chính âm nhạc, ở chiều sâu tiềm thức và tâm hồn của sản phẩm phòng thu mà qua nhiều hình thức nghệ thuật biểu đạt trên không gian biểu diễn kích hoạt các giác quan, trí tưởng tượng và chiêm nghiệm.

Qua cách kể đương đại, nhằm mô tả một hành trình đi đến tương lai, bằng một cách nào đó, sân khấu Cung Văn hóa Hà Nội mang đến dung tưởng như du thuyền lơ lửng giữa Trời và Đất. Những hình khối lập phương, bầu trời, quả trứng được thiết kế tối giản theo phong cách pop-art hiển thị thành công và sống động ý niệm về vũ trụ xoay vần, khởi sinh vạn vật, con người và thiên nhiên đã khai mở cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc bất ngờ và thú vị ngay cả với những chất liệu tưởng chừng đã quá quen thuộc.

Ngay lối trang điểm, lối ăn mặc phi giới tính theo tinh thần futuristic (vị tương lai) được Dương tuyệt đối chăm chút và cập nhật xu hướng để “thửa riêng” theo từng phong cách thì sau từng ấy năm vẫn chưa thấy ai trong giới nghệ sỹ Việt Nam có can đảm bắt chước.

Trong không gian và âm nhạc của chính mình, Tùng Dương nói lời xác tín “đây mới là Tùng Dương của tất cả quý vị.” Dương là thế luôn ý thức được giá trị bản ngã nghệ sỹ của chính mình, nâng niu, thưởng lãm và biết cách để được tán dương hơn.

Vẻ như nhu cầu giãi bày, mong muốn được hiểu thấu luôn là khao khát tự thân của con người này. Tâm hồn nghệ sỹ đa sầu đa cảm là món quà trời ban cho người nghệ sỹ có những thăng hoa trong nghệ thuật nhưng lại làm cho con người ta trở thành kẻ ích kỉ. Tâm trạng của Tùng Dương luôn diễn ra một cách bất định và không một chút kiềm chế trên sân khấu. Nhưng giữa những cân đo đong đếm, vụn vặt thống khổ của đời sống, trong âm nhạc Dương vẫn là tâm hồn mong manh, nhạy cảm, tìm kiếm nơi an trú trống rỗng, tổn thương và bất toại. Âm nhạc chính là quyền năng, khí cụ mạnh mẽ nhất để bản thể đó được trở thành người ngoài hành tinh bước vào cõi siêu nhiên mỹ miều.

Nên với người viết bài, “Trời và Đất” chính là một cuộc “cách mạng” để Dương tuyên chiến với chính mình, tìm về những giá trị âm nhạc đích thực, không chấp nhận sự an bài của thị hiếu số đông. Cuộc cách mạng ấy đã đẩy Dương lên tầng nấc “unique” nhạc Việt đương đại một cách thuyết phục và chắc chắn.

Chân dung đặc biệt


Trong âm nhạc, thị hiếu của công chúng không bao giờ là thước đo của giá trị nghệ thuật. Sự cảm nhận và đón nhận âm nhạc, nói cho cùng, dựa vào sự quen tai. Những tác phẩm thực sự độc đáo về khai phá nghệ thuật và khơi mở thưởng thức thường khó tiệm cận, và cần thời gian thẩm thấu.

Thế nên chẳng lấy làm ngạc nhiên một bộ phận khán giả đến ngày hôm nay vẫn cảm thấy xa lạ với phong cách âm nhạc lẫn phương thức thể hiện mà Tùng Dương theo đuổi hơn một thập kỷ qua. Sức hút của Tùng Dương chính là khả năng cách tân. Cách tân làm Tùng Dương trở nên độc đáo.

15 năm ca hát với 7 sản phẩm phòng thu và 7 liveshow giàu giá trị nghệ thuật, để thấy Tùng Dương đã đi một vệt dài cống hiến. Số lượng không phải là điều quan trọng, mà quan trọng là sự đặc sắc và khai phá trong từng sản phẩm. Mặc dù không phải là người duy nhất nỗ lực tìm tòi và đào sâu các thể loại âm nhạc mới ở Việt Nam, nhưng ít người đã khai thác hết mức khả năng biểu hiện của giọng hát và biểu diễn theo tinh thần “đa phong cách, phi thể loại” như Tùng Dương.

Để sau từng ấy năm, Tùng Dương ở thì hiện tại đã lội ngược dòng khi trở thành hình mẫu nghệ sỹ điển hình dần cân bằng được thị hiếu nghe–xem, “chiều” được cả hai giới mộ điệu và bình dân, với những liveshow cháy vé, những album được chờ đợi, những giải thưởng cao quý, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các nghệ sỹ trẻ.

Tính cách dữ dội, tràn đầy đam mê, tận tụy và đa mang với nghệ thuật làm nên sức hút của Tùng Dương kéo dài hơn một thập kỷ. Âm nhạc và hình thái biểu diễn của anh đã góp phần thay đổi bản chất nhạc pop, tạo nền móng và sức ảnh hưởng tới nền âm nhạc đại chúng. Cảm hứng về vũ trụ, cùng tinh thần tiên phong (avant-garde) kết hợp âm nhạc với các hình thái nghệ thuật trong từng sản phẩm, và liên tục thay đổi phương thức, có thể nói Tùng Dương lâu nay đã không còn tự giới hạn mình là ngôi sao nhạc nhẹ.

Ai mà chẳng hoài nghi, đôi khi. Nhưng có một điều chắc chắn khi viết đến những dòng này, khi một người đã thực sự dấn thân vào con đường ca nghệ, anh ta sẽ tiếp tục làm nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng. Nhất là khi đây là cách duy nhất để một nghệ sỹ như Dương nói-với-mình và thấy mình mạnh nhất, thăng hoa, thậm chí “mang thai” những điều lớn lao, siêu hình, thì không lẽ gì anh ta chịu dừng lại?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục