Trồng mít Thái Changai thu nhập hơn 700 triệu đồng mỗi năm

Mô hình trồng mít Thái Changai của gia đình bà Lê Thị Bảy ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đem lại thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm.
Trồng mít Thái Changai thu nhập hơn 700 triệu đồng mỗi năm ảnh 1(Nguồn: mitthaichangai.com)

Mít Thái Changai là loại cây ăn quả mới dễ trồng, mau lớn, sai trái, múi to, cơm dầy, hạt nhỏ, vỏ mỏng, thơm ngon và ngọt.

Mô hình trồng mít Thái Changai của gia đình bà Lê Thị Bảy ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đem lại thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm.

Bà Lê Thị Bảy cho biết đầu tiên, bà đã trồng thử nghiệm giống mít Thái Changai trên hơn 1ha đất vườn và thấy có hiệu quả nên hơn 10 năm nay bà chỉ trồng loại mít này và chọn nhân rộng toàn bộ 2ha đất vườn, với hơn 1.500 gốc mít Thái Changai.

Theo bà Bảy, hiện nay các nhà máy chế biến chỉ chọn loại mít nghệ Việt Nam và mít Thái Changai làm loại mít sấy khô nên người trồng không sợ bị rớt giá và luôn có đầu ra ổn định. Đến mùa thu hoạch chỉ cần gọi điện là có người đến lấy hàng.

Theo kinh nghiệm của gia đình bà Lê Thị Bảy, loại mít này trồng rất nhanh cho quả, chỉ sau 18 tháng trồng sẽ cho trái chín. Đặc biệt, loại mít này cho trái to, mỗi trái nặng từ 7-20 kg, có những trái trên 20kg.

Tính bình quân mỗi gốc mít Thái Changai cho khoảng 100 kg/năm và với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, tính ra mỗi gốc mít tối thiểu cũng thu về hơn 1 triệu đồng/năm. Những cây ra nhiều trái, người trồng có thể tỉa bớt để tận dụng làm thức ăn cho gà, cá tăng thêm thu nhập vài chục triệu đồng.

Ngoài ra, phòng trừ sâu bệnh với loại mít này rất dễ vì không cần sử dụng đến thuốc hóa học mà chỉ phòng trừ bằng cách sử dụng kỹ thuật bao lưới khi trái còn nhỏ. Nhờ vậy, chi phí phân thuốc giảm một nửa, trái lại no tròn, đều đặn.

Theo anh Bùi Đức Thình, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Tường, trước đây vùng này đa phần trồng lúa, trồng mía nhưng năng suất, hiệu quả thua xa nhiều nơi khác.

Cây mít Thái Changai đã phát triển khá tốt tại đây nhưng do địa phương không có cây giống do loại mít này rất khó chiết cành, người dân muốn trồng phải sang tận Đồng Tháp hoặc Tiền Giang... mua cây. Hơn nữa, việc đầu tư trồng mới vốn khá cao từ mua cây giống nên nhiều nông dân còn ngần ngại.

Với kết quả mang lại khả quan, mít Thái Changai đang là cây được ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đưa vào “tầm ngắm” và sẽ cho nghiên cứu, tính toán kỹ, tìm hiểu thị trường, năng suất, sản lượng, đầu ra sản phẩm, lợi nhuận, hiệu quả kinh tế… để khuyến cáo nhà vườn nhân rộng loại cây trồng này ra những nơi có đủ điều kiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục