Trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ”

Trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam bộ” giới thiệu đến công chúng 260 tư liệu, hình ảnh, tranh, hiện vật liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Nam Bộ.
Các đại biểu tham quan phòng trưng bày. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Các đại biểu tham quan phòng trưng bày. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Ngày 22/11, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và nhà sưu tập Trương Văn Thuận tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ” và trưng bày bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sỹ cải lương của họa sỹ Trương Văn Ý.

Trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam bộ” giới thiệu đến công chúng 260 tư liệu, hình ảnh, tranh, hiện vật liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Nam Bộ.

Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Long trưng bày bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập Trương Văn Thuận với 80 bức chân dung nghệ sỹ cải lương bằng chất liệu sơn dầu do họa sỹ Trương Văn Ý thực hiện.

[Khai mạc triển lãm-biểu diễn kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương]

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, nghệ thuật đờn ca tài tử ra đời vào cuối thế kỷ XIX, gắn liền với lịch sử văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Hơn một thế kỷ trôi qua, đờn ca tài tử đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tháng 12/2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Còn sân khấu cải lương là một loại hình nghệ thuật được kế thừa và phát triển từ các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mang đậm bản sắc riêng của cư dân Nam Bộ. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào đờn ca tài tử lan rộng khắp vùng Nam Bộ, một số ban tài tử đã mạnh dạn cho nghệ nhân đứng lên vừa ca, vừa ra điệu bộ, diễn tả tâm trạng cho phù hợp bài hát. Hát kết hợp với điệu bộ gọi là ca ra bộ.

Lúc đầu chỉ có một người, sau đó phát triển thêm ca ra bộ có phân vai gọi là “hát chặp,” rồi kết hợp với thoại kịch của Tây phương để trở thành cải lương.

Trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ” ảnh 1Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Văn Săn (trái) và họa sỹ Trương Văn Ý tham quan phòng trưng bày. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Nghệ thuật sân khấu cải lương được chuyển tải nội dung thông qua tài năng của người nghệ sỹ như chất giọng, kỹ năng diễn xuất, vũ điệu, thể loại tuồng tích, kỹ thuật sân khấu, nhạc sỹ… đã tạo nên sức hấp dẫn đối với người mộ điệu và hiện diện lâu dài trong đời sống văn hóa, trở thành món ăn tinh thần của người dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Với những tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương được chọn lọc trưng bày giúp công chúng tìm hiểu, khám phá nét hay và cảm nhận sâu sắc về di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Thông qua hoạt động trưng bày chuyên đề nhằm tôn vinh các thế hệ nghệ sỹ đã có nhiều công lao đóng góp cho lĩnh vực sân khấu cải lương, tạo điều kiện để người dân địa phương, du khách thưởng lãm các hình ảnh, tư liệu và tác phẩm hội họa đặc sắc, đồng thời nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Trưng bày các tư liệu, hiện vật về đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ diễn ra đến ngày 31/3/2020; bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sỹ cải lương của họa sỹ Trương Văn Ý được trưng bày đến ngày 22/12/2019, tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục