Trung - Nhật và cuộc chạy đua vị thế "hàng xóm thứ ba" tại Mông Cổ

Trung Quốc và Nhật Bản là hai trong số những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất về tài chính đối với Mông Cổ và các quốc gia lân cận, đều có một lịch sử lâu dài về thương mại và đầu tư tại đây.
Trung - Nhật và cuộc chạy đua vị thế "hàng xóm thứ ba" tại Mông Cổ ảnh 1Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ. (Nguồn: Wikiemedia Common)

Tạp chí The Diplomat gần đây có bài viết với tiêu đề “Nhật Bản và Trung Quốc cạnh tranh đầu tư tại Mông Cổ,” nội dung như sau:

Trung Quốc và Nhật Bản là hai trong số những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực tài chính đối với Mông Cổ và các quốc gia lân cận. Hai nước đều có một lịch sử lâu dài về thương mại và đầu tư tại khu vực này.

Mông Cổ gọi Nhật Bản là "hàng xóm thứ ba," đây là thuật ngữ được cựu Ngoại trưởng Mỹ James A. Baker sử dụng lần đầu vào năm 1990 khi ông gọi Washington là "hàng xóm thứ ba" của Mông Cổ.

Sau đó, Mông Cổ đã áp dụng chính sách “hàng xóm thứ ba” nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại của nước này với các nước khác như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu.

Nhật Bản đã giao thương với Mông Cổ từ thế kỷ 13 thông qua con đường tơ lụa cổ xuyên Á-Âu và hiện nước này là nguồn nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của Mông Cổ.

Nhật Bản đã liên tục trợ giúp và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Mông Cổ, kể từ khi nước này trở thành quốc gia dân chủ vào năm 1990.

Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những đối tác gần gũi và lớn nhất của Mông Cổ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mông Cổ đến tháng 7/2017 đã lên tới 4,1 tỷ USD, chiếm 30% vốn đầu tư nước ngoài vào Mông Cổ.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng ảnh hưởng kinh tế đối với Mông Cổ thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường," mối quan hệ giữa nước này với Nhật Bản lại trở nên ngày càng phức tạp.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm cho Nhật Bản cảm thấy cấp thiết phải cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mông Cổ năm 2014, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã được mở rộng, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và cơ sở hạ tầng.

Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác an ninh thông qua các chuyến thăm viếng ngoại giao ngày càng tăng.

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên khởi xướng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ- Nga (CMREC) như một phần của "Vành đai và Con đường" nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, dự án công nghiệp, từ đó thiết lập các khu vực hợp tác thương mại tự do tại các thành phố dọc biên giới.

Đối với Nhật Bản, nước này bắt đầu phát triển các dự án tại Mông Cổ vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Với sự trợ giúp của Nhật Bản, năm 2003, Mông Cổ gia nhập Chương trình Hợp tác Kinh tế khu vực Trung Á (CAREC) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện.

Tính đến tháng 8/2018, ADB đã thực hiện 301 dự án ở Mông Cổ theo chương trình này.

Chỉ 1 năm sau khi Trung Quốc công bố CMREC, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế đầu tiên của Nhật Bản (EPA) với Mông Cổ vào năm 2015.

Ông Abe cam kết giảm thuế và hỗ trợ bổ sung khoản vay 330 triệu USD với lãi suất thấp 0,1%/năm cho Mông Cổ để xây dựng sân bay quốc tế mới ở thủ đô Ulan Bator. 

Có thể do tác động cạnh tranh với CAREC của Nhật Bản mà CMREC của Trung Quốc dự định sẽ nhắm tới việc đầu tư đặc biệt tại Mông Cổ thay vì trải đều toàn bộ các nước Trung Á.

[Mông Cổ muốn trợ giúp cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản-Triều Tiên]

Những cánh cửa mở cho cạnh tranh Trung-Nhật

Trung Quốc và Nhật Bản không ngừng tài trợ cho các dự án khác nhau tại Mông Cổ thông qua những khuôn khổ hợp tác và thường những dự án này có khả năng bổ sung cho nhau.

Ví dụ, khi Nhật Bản cung cấp khoản vay 500 triệu USD để Mông Cổ xây dựng sân bay quốc tế mới ở thủ đô Ulan Bator, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng cung cấp khoản vay 140 triệu USD cho dự án đường cao tốc nối sân bay này với trung tâm thủ đô.

Hai dự án có thể nói không thể tách rời và Trung Quốc-Nhật Bản đang cùng nhau cải thiện cơ sở hạ tầng tại Mông Cổ.

Việc cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Nhật Bản đã giúp Mông Cổ có thêm nhiều lựa chọn.

Năm 2016, Mông Cổ đã mời Đức Dalai Lama tới giảng kinh Phật cho người dân, trong bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công và phải tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc - nước sẵn sàng cho Mông Cổ vay một khoản tiền với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, với Trung Quốc, Dalai Lama lại là một nhân vật chống chính phủ nước này. Trong tình huống đó, Mông Cổ đã phải xin lỗi Trung Quốc và cam kết không tiếp tục mời Dalai Lama.

Sự cố trên chứng minh sự phụ thuộc của Mông Cổ vào Trung Quốc khi nước này sẵn sàng từ bỏ đức tin để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính.

Tuy nhiên, việc xuất hiện thêm nhà tài trợ là Nhật Bản sẽ giúp Mông Cổ giảm bớt áp lực. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh Trung Quốc và Mông Cổ căng thẳng xung quanh sự cố Dalai Lama, Nhật Bản đã tạo ra một khuôn khổ viện trợ quốc tế cung cấp cho Mông Cổ khoảng 5,65 tỷ USD.

Khuôn khổ viện trợ quốc tế này được hỗ trợ bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, chính phủ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm giảm bớt những thách thức tài chính mà Mông Cổ phải đối mặt. Và trong thời gian căng thẳng chính trị với Trung Quốc, Mông Cổ đã có thể đa dạng hóa các nguồn vốn vay.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc và Nhật Bản vào Mông Cổ

Đầu tư của Trung Quốc vào Mông Cổ được thực hiện chủ yếu qua hình thức cho vay trực tiếp hoặc qua một số khuôn khổ đa phương do Trung Quốc sáng lập và dẫn dắt như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) - nơi Trung Quốc chiếm 26,6% quyền biểu quyết.

Trong khi đó, đầu tư của Nhật Bản vào Mông Cổ thường thông qua các tổ chức đa phương có danh tiếng và nhiều kinh nghiệm như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Cách thức của Trung Quốc và Nhật Bản đầu tư vào Mông Cổ có điểm mạnh và điểm yếu riêng.

Đối với cách thức của Trung Quốc, kinh nghiệm của nước này trong việc tài trợ và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" sẽ giúp Mông Cổ kết nối chặt chẽ hơn với châu Âu và phần còn lại của châu Á thông qua đường bộ, đường biển.

Tuy nhiên, đầu tư của Trung Quốc có điểm yếu là thiếu sự giám sát quốc tế và thường đi kèm với các điều kiện chính trị như trong trường hợp sự cố Dalai Lama.

Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn làm tăng chi phí vốn của Mông Cổ, khiến tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) tăng đột ngột.

Đối với cách thức của Nhật Bản, nguồn đầu tư tài chính minh bạch có thể giảm rủi ro cho Mông Cổ, đồng thời giúp nước này tiếp cận tri thức, kỹ thuật tiên tiến để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các điều kiện cho vay như xếp hạng tín dụng cao cũng là điểm yếu khiến Mông Cổ không thể nhanh chóng tiếp nhận những khoản vay. Năm 2017, Mông Cổ có xếp hạng tín dụng thấp với nợ công gần bằng 100% GDP.

Đối với Mông Cổ, đây là thời điểm thích hợp để nước này tận dụng Trung Quốc, Nhật Bản và các nước “hàng xóm thứ ba” khác như Hàn Quốc, Canada, các tổ chức tài chính quốc tế để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, đồng thời chọn lọc các dự án mang lại lợi ích bền vững, cùng tiến bộ công nghệ.

Trong mối quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản, Mông Cổ cần thiết lập chiến lược phát triển riêng dựa trên lợi ích quốc gia nhằm hạn chế sự phụ thuộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục