Trung Quốc có thể tiếp tục hạ lãi suất do lo ngại giảm phát

Trung Quốc sẵn sàng hạ thêm lãi suất và nới lỏng các biện pháp hạn chế cho vay, do lo ngại rằng giá cả giảm có thể dẫn tới làn sóng các vụ vỡ nợ, phá sản của các doanh nghiệp và tình trạng mất việc.
Trung Quốc có thể tiếp tục hạ lãi suất do lo ngại giảm phát ảnh 1Trung Quốc có thể tiếp tục hạ lãi suất do lo ngại giảm phát. (Nguồn: online.wsj.com0

Theo các nhà kinh tế thuộc các cơ quan tham mưu cho Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề chính sách, các nhà lãnh đạo và ngân hàng trung ương nước này sẵn sàng hạ thêm lãi suất và nới lỏng các biện pháp hạn chế cho vay, do lo ngại rằng giá cả giảm có thể dẫn tới một làn sóng các vụ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tình trạng mất việc làm.

Thông báo hạ lãi suất gây bất ngờ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) vào cuối tuần trước, lần hạ lãi suất đầu tiên trong hơn hai năm, đã cho thấy sự chuyển hướng từ chỗ kiên trì các biện pháp kích thích nhỏ đến chỗ thực hiện biện pháp chính sách tiền tệ cần thiết để ổn định nền kinh tế.

Theo một nhà kinh tế kỳ cựu của một nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ, các nhà lãnh đạo đã thay đổi quan điểm và PboC đã chuyển trọng tâm từ việc hướng vào các biện pháp kích thích sang cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng, một cách đã hạn chế đáng kể lượng vốn khả dụng để cho vay.

Ông cho rằng việc cắt giảm lãi suất hơn nữa đang được thảo luận khi Trung Quốc bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất và việc hạ RRR cũng có thể được thực hiện.

Động thái hạ lãi suất cho vay vừa qua xuất phát từ lo ngại rằng các chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc quản lý số nợ lớn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đó đã miễn cưỡng trong việc hạ lãi suất bởi cho rằng điều này sẽ làm gia tăng nợ và làm xuất hiện bong bóng bất động sản, nhưng có những dấu hiệu về sự giảm tốc của nền kinh tế và sự hạ nhiệt của thị trường nhà đất.

Các biện pháp chính sách chọn lọc đã được thực hiện sau đó như hạ RRR đối với một số ngân hàng và bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, những biện pháp này đã không làm giảm chi phí vay mượn của các doanh nghiệp. Việc làm vẫn tăng, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp thì teo đi do giảm phát giá của nhà sản xuất. Và sẽ là không hợp lý khi các ngân hàng vẫn hưởng lợi lớn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến việc làm và sự ủng hộ của người dân với các cải cách.

Chính phủ nước này muốn thực hiện một số cải cách trong năm tới, trong đó có những cải cách tài chính nhằm giải quyết núi nợ của các chính quyền địa phương và nguy cơ vỡ nợ của các chính quyền địa phương có thể được hạn chế bớt nhờ các mức lãi suất thấp hơn.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại ở mức thấp nhất trong vòng năm năm qua, đạt 7,3% trong quý trước.

Nhiều nhà kinh tế nước này đã kêu gọi những hành động chính sách mạnh mẽ hơn khi số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế nước này đang để mất nhiều động lực hơn trong quý 4 và lạm phát giá tiêu dùng đang giảm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng hạ lãi suất một cách không cân đối (mức giảm đối với lãi suất cho vay là 40 điểm cơ bản, còn đối với lãi suất tiền gửi là 25 điểm cơ bản) sẽ gây thêm khó khăn cho các ngân hàng thương mại, vốn đã đối mặt với sự giảm sút lợi nhuận, nợ xấu tăng và những sức ép lên chất lượng tài sản.

Do hoạt động kinh tế yếu hơn, tổng lợi nhuận của 16 ngân hàng thương mại đã niêm yết của Trung Quốc tăng 9,7% trong ba quý đầu năm nay, trong khi tăng hai con số trong những năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục