Đô thị hóa phiến diện

Trung Quốc: Hậu quả mô hình đô thị hóa phiến diện

Trung Quốc trên danh nghĩa đã đô thị hóa tới 46% nhưng trên thực tế số người có hộ khẩu thành thị chỉ có 28%, còn lại 18% nông dân.
Bài viết của giáo sư Trịnh Phong Điền thuộc Học viện Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đại học Nhân dân Trung Quốc, đăng trên Nhật báo Nông dân mới đây cho biết, tiến trình đô thị hóa ở Trung Quốc từ lâu luôn diễn ra theo hướng “đô thị hóa đất chứ không đô thị hóa người” hay nói cách khác là “chỉ cần đất của nông dân, không cần người nông dân.”

Trung Quốc trên danh nghĩa đã đô thị hóa tới 46% nhưng trên thực tế số người có hộ khẩu thành thị chỉ có 28%, còn lại 18% nông dân làm công ăn lương đã sống và làm việc ở thành thị từ nửa năm trở lên nhưng bị gạt ra ngoài hệ thống thành thị, không được hưởng phúc lợi xã hội và y tế.

Quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc thông qua trưng dụng đất của nông dân được mở rộng rất nhanh, đặc biệt không ít thành phố lớn trong thời gian ngắn đã giàu lên nhanh chóng, trong khi nhiều vùng nông thôn ở miền Tây rơi vào tình trạng thôn làng trống vắng, suy bại.

Đất đai đẻ ra của cải. Tài sản quý giá nhất của nông dân là đất nhưng với chế độ trưng dụng như hiện nay, đất của nông dân thường bị lấy đi với giá bồi thường rất rẻ. Nông dân về cơ bản không được hưởng giá trị gia tăng.

Sau hơn 30 năm phát triển nhanh, một bộ phận rất lớn của cải ở Trung Quốc đã bắt nguồn từ phát triển đất đai và các nguồn lợi khác, tài chính từ đất là nguồn thu của các chính quyền địa phương.

Phát triển thành thị và công nghiệp đều phải cần đến đất, phần lớn trong đó là đất trưng dụng của nông dân. Thu nhập hàng năm của các chính quyền địa phương từ bán đất đang tăng mạnh. Từ năm 1997-2008, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã thu được 5.200 tỉ Nhân dân tệ từ chuyển nhượng đất, chỉ riêng năm 2009 đã lên tới 1.500 tỉ Nhân dân tệ. Nhiều lợi ích có được từ đất tập trung tại thành thị, nông dân bị gạt ra ngoài khiến một bộ phận thành thị giàu lên, nông thôn nghèo đi.

Mô hình đô thị hóa diễn ra hơn 30 năm nhưng không bền vững. Đặc biệt những năm gần đây, một số chính quyền địa phương đã trở nên cấp tiến trong việc xác định hướng đi, với một ví dụ điển hình là hiện tượng “xóa sổ thôn làng” đã xuất hiện ở không ít địa phương.

Nhiều địa phương ở Trung Quốc hiện nay đều chạy theo chỉ tiêu gia tăng sử dụng đất xây dựng thành thị một cách phiến diện, di dời cưỡng bức, xây dựng cưỡng bức, đi ngược lại với nguyện vọng và xâm hại lợi ích của người nông dân.

Trên danh nghĩa là để nông dân được sống cuộc sống hiện đại hóa nhưng thực chất là "cưỡng chiếm" đất thổ cư của nông dân, chuyển hóa thành mục tiêu xây dựng thành thị, tăng thu nhập tài chính. Trong khi đó người nông dân vốn là chủ đất đai, lại bị buộc phải chuyển đến những khu chung cư chật hẹp, nhưng vẫn phải tiếp tục cuộc sống sản xuất nông nghiệp, không thuận tiện và phải chi phí nhiều hơn.

Xu hướng đô thị hóa trên đã khiến xã hội bức xúc quan tâm. Đô thị hóa trước đây chỉ là cưỡng chiếm đất đai của nông dân, nay phát triển thành di dời nhà ở, sáp nhập thôn làng. Sử dụng sức mạnh hành chính tạo nên tình trạng xóa sổ thôn làng để có được lợi ích gia tăng từ đất là hiện tượng gắn liền với xu hướng đô thị hóa không bền vững, hậu quả phá hoại rất lớn.

Phát triển đô thị hóa không được làm tổn hại đến lợi ích của nông dân. Trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, làm thế nào để có thể đảm bảo quyền và lợi ích thiết thực của người nông dân, tôn trọng ý nguyện của họ, vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn, liên quan đến triển vọng mở rộng nhu cầu nội địa.

Đô thị hóa trước hết phải là đô thị hóa con người chứ không chỉ là đô thị hóa đất đai, nhất định phải đưa nông dân trở lại với lợi ích giá trị gia tăng từ đất, để họ cũng được chia sẻ thành quả đô thị hóa, như vậy toàn dân mới có thể thực sự cùng hưởng lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục