Trung Quốc khoe sức mạnh hải quân gây ra lo ngại

Trong bối cảnh tranh chấp trên biển gia tăng, hành động phô trương sức mạnh này có thể khiến các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh lo ngại.

Ngày 25/9, Trung Quốc đã chính thức đưa hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này đi vào hoạt động. Trong bối cảnh tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ngày càng căng thẳng, hành động phô trương sức mạnh này có thể khiến các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh lo ngại.

 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh sẽ "nâng năng lực chiến đấu chung của lực lượng hải quân Trung Quốc" và giúp Bắc Kinh "bảo vệ hiệu quả chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như các lợi ích”.

 

Các nhà phân tích cho biết, trên thực tế, tàu Liêu Ninh, được tân trang từ một tàu cũ mua của Ukraine, sẽ chỉ có vai trò hạn chế, chủ yếu nhằm phục vụ công tác huấn luyện và kiểm nghiệm khả năng tự sản xuất các hàng không mẫu hạm đầu tiên ở trong nước của Trung Quốc sau năm 2015.

 

Lầu Năm Góc đánh giá thấp sự kiện này khi Phát ngôn viên George Little chỉ nói ngắn gọn rằng Mỹ đang theo dõi những bước tiến quân sự của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng "đây không phải là điều gì đáng ngạc nhiên cả".

 

Buổi lễ chính thức bàn giao tàu Liêu Ninh cho hải quân Trung Quốc, có sự tham dự của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, là màn phô diễn sức mạnh quốc gia đúng thời điểm căng thẳng với Nhật Bản liên quan tới các hòn đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông đang dâng cao. Hãng tin Tân Hoa Xã trích lời ông Ôn Gia Bảo phát biểu trong buổi lễ bàn giao tàu Liêu Ninh ở cảng Đại Liên: "Đưa tàu sân bay vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện đại hóa lực lượng hải quân, tăng cường sức mạnh phòng phủ và sức mạnh tổng thể của cả quốc gia".

 

Quan hệ Trung-Nhật đã xấu đi nghiêm trọng trong tháng này sau khi Nhật Bản mua một số đảo mà hai bên đang tranh chấp ở biển Hoa Đông từ một chủ sở hữu tư nhân, làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc. Quần đảo tranh chấp này được Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

[“Hải quân Trung Quốc không phải đối thủ của Nhật”]

 

Ngày 25/9, trong cuộc gặp nhằm tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân nói với người đồng cấp Nhật Bản: "Trung Quốc sẽ không bao giờ nhân nhượng đối với bất kể hành động nào của Nhật Bản làm tổn hại tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Nhật Bản phải từ bỏ những ảo tưởng, cam kết sẽ suy ngẫm và có những hành động cụ thể để sửa chữa sai lầm của họ, quay trở lại với những đồng thuận và thỏa thuận sơ bộ giữa các nhà lãnh đạo của hai nước".

 

Các nhà ngoại giao Nhật Bản có mặt tại New York để tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) nói rằng việc chính phủ của họ mua lại các hòn đảo từ những chủ sở hữu tư nhân là nhằm hạn chế cuộc tranh cãi hiện nay (với Trung Quốc). Naoki Saiki, Phó Thư ký phụ trách báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nói: "Chính phủ Nhật Bản đã truyền đạt và giải thích ý định mua lại các hòn đảo này cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, chúng ta lại rơi vào tình thế hiện nay". Bà Saiki không cho biết liệu các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng diễn ra hôm 25/9 với Trung Quốc có đạt được tiến bộ nào hay không. Tuy nhiên, bà nói: "Điều quan trọng đó là cả hai bên đã đồng ý tiếp tục liên lạc và trao đổi với nhau".

 

Nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa hai nước là không cao, song căng thẳng chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này có thể trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới lo ngại xảy ra các vụ việc trên biển không phải theo chủ ý của hai bên. Koichi Kato, một nghị sỹ đối lập và là người đứng đầu Hội Hữu nghị Nhật-Trung, nói với hãng tin Reuters: "Nếu xảy ra đổ máu, mọi người sẽ hành động thiếu lý trí".

 

Đối với hải quân Trung Quốc, việc tăng cường các hàng không mẫu hạm là một trong những ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh họ đang tiến tới xây dựng một lực lượng có khả năng hoạt động ở xa Trung Quốc Đại lục.

 

Tháng này, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ, đặc biệt là chính sách hướng tới châu Á của Tổng thống Barack Obama, rằng Washington không nên can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, ví dụ như Philippines. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thúc giục Trung Quốc và các nước láng giềng tại khu vực Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp "mà không được cưỡng ép, hăm dọa, và đặc biệt là không sử dụng vũ lực".

 

Narushige Michishita, một chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, cho rằng thời điểm đưa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh vào hoạt động không liên quan tới tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật. Các chuyên gia cho rằng động thái này của Trung Quốc có liên quan tới nỗ lực của nước này nhằm xây dựng một khối thống nhất yêu nước trước thềm Đại hội đảng Cộng sản, vốn được cho là sẽ quyết định thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sớm nhất vào đầu tháng tới.

 

Ông Michishita nói: "Trung Quốc đang có bước đi nữa nhằm tăng cường khả năng của hải quân nước này. Nếu họ có một hàng không mẫu hạm được đưa vào vận hành trong thời điểm hiện nay, chúng ta không cần quá lo ngại về dụng ý cân bằng quân sự giữa một bên là Mỹ và Nhật còn bên kia là Trung Quốc".

 

Căng thẳng trên biển Hoa Đông dâng cao tại thời điểm cả Trung Quốc và Nhật Bản đang phải đối phó với những sức ép chính trị ở trong nước. Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ đối mặt với một cuộc bầu cử diễn ra trong vài tháng tới, điều càng buộc ông không được tỏ ra yếu đuối trước Trung Quốc. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải bận tâm với cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ thôi giữ chức vụ của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục