Trung Quốc: Mối lo dư thừa công suất khi dòng tiền chảy vào công nghệ cao

Tại Trung Quốc, đầu tư vào sản xuất công nghệ cao đang vượt xa phần còn lại của ngành. Lượng đầu tư này đã tăng 11,3% trong chín tháng của năm 2023, so với mức 6,3% của tổng đầu tư sản xuất.

Dây chuyền lắp ráp xe ôtô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 3/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Dây chuyền lắp ráp xe ôtô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 3/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Reuters, giới lãnh đạo Trung Quốc, với quyết tâm nâng cấp sản xuất, đang “lái” dòng tiền vào các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao - từ chất bán dẫn cho đến xe điện, làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng dư thừa công suất sẽ thúc đẩy một làn sóng xuất khẩu giá rẻ mới.

Dữ liệu cho vay từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho thấy cái nhìn khái quát về các ưu tiên của Chính phủ: Tính đến cuối tháng Chín, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi dư nợ cho vay trong lĩnh vực sản xuất đã tăng 38,2%.

Các nhà kinh tế nhận định làn sóng đầu tư này khác ở những khía cạnh chính so với làn sóng đầu tư vốn trước đó, và cùng với những tác động khác, đã “thổi phồng” ngành công nghiệp pin Mặt Trời của Trung Quốc, gây ra cuộc chiến thương mại và khiến nhiều công ty phá sản.

Xu hướng này là lời cảnh báo với một số đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt là ở châu Âu, nơi cuộc điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Quốc đang được tiến hành.

Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Bắc Kinh, cho biết: “Tiêu thụ ở Trung Quốc hiện đang thấp hơn nhưng tình trạng dư thừa công suất lớn đang bị đẩy ra thế giới - ở các lĩnh vực như pin, năng lượng Mặt Trời và hóa chất.”

“Châu Âu và Trung Quốc giống như hai đoàn tàu sắp va vào nhau” - ông Eskelund nói khi đề cập đến thương mại.

Chính sách công nghiệp của Trung Quốc sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại cuộc họp tuần này của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco (Mỹ), nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã tìm cách trở thành một cường quốc sản xuất hàng hóa cao cấp cho thế giới, bao gồm xe điện, turbine gió, linh kiện hàng không vũ trụ và chất bán dẫn tiên tiến.

Các nhà phê bình cho rằng nỗ lực này đã gây tổn hại đến một nhu cầu khác - khiến Trung Quốc tiêu dùng nhiều hơn và xuất khẩu ít hơn - một sự thay đổi cơ cấu mà nhiều nhà kinh tế coi là “chìa khóa” để duy trì mức tăng trưởng cao.

Các lĩnh vực tiên tiến

Các nhà hoạch định chính sách trước đây đã phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất.

Các gói kích thích sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã gây ra sự bùng nổ trong lĩnh vực thép, năng lượng Mặt Trời và nhiều lĩnh vực khác, nhưng cũng tạo ra sự tăng trưởng mà cuối cùng giúp hấp thụ phần lớn những sản lượng tăng thêm đó - Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC, cho hay.

Lần này, trọng tâm của Chính phủ được thu hẹp hơn, nhắm vào công nghệ cao và “sản xuất tiên tiến” - mục tiêu này được đặt ra vào năm 2021 trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14.

"Trung Quốc đã áp dụng chiến lược chuyển chi tiêu đầu tư từ lĩnh vực bất động sản sang sản xuất, điều này sẽ thúc đẩy công suất hơn nữa. Thay vì thúc đẩy hấp thụ hàng hóa thông qua tăng cường xây dựng, Trung Quốc đang chọn cách tăng công suất của các ngành sản xuất hàng hóa" - ông Neumann nói.

“Thật không may, thị trường toàn cầu không đủ khả năng để hấp thụ công suất bổ sung.”

Một điểm khác biệt so với các đợt dư thừa công suất trước đó: Số tiền nhỏ hơn.

Tao Wang, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại UBS, cho biết tốc độ tăng trưởng chung của nguồn tài trợ cho sản xuất có thể đạt gần 18%, bởi trái phiếu - nguồn tài trợ chính khác cho các công ty - đang giảm mạnh, nghĩa là mức tăng tổng hợp khiêm tốn hơn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng đầu tư tổng thể vào ngành sản xuất của Trung Quốc đang chậm lại do các nhà sản xuất phản ứng trước tình hình thị trường yếu kém.

“Đơn đặt hàng và lợi nhuận giảm và họ có xu hướng phản ứng với điều đó” - bà Wang cho biết.

Tuy nhiên, đầu tư vào sản xuất công nghệ cao vẫn vượt xa phần còn lại của ngành. Lượng đầu tư này đã tăng 11,3% trong chín tháng của năm 2023 so với mức 6,3% của tổng đầu tư sản xuất - theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Một đánh giá của Reuters về hơn 100 tài liệu chính sách được công bố rộng rãi và các báo cáo truyền thông Nhà nước cho thấy hàng chục chính quyền tỉnh và thành phố đang tăng tỷ lệ các khoản vay của Chính phủ nhắm đến lĩnh vực phát triển xanh, sản xuất tiên tiến và các ngành công nghiệp chiến lược.

Chẳng hạn, tỉnh Quảng Đông đã tăng khoảng 45% cho vay đối với cả lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và tiên tiến - truyền thông Trung Quốc đưa tin. Trong nửa đầu năm 2023, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất công nghệ cao ở tỉnh Sơn Đông ở phía Đông đã tăng 67%.

Đến cuối tháng Chín, Đông Quan - một thành phố sản xuất ở phía Nam với 7,5 triệu dân - có tổng dư nợ cho vay đối với các công ty công nghệ cao là 246 tỷ nhân dân tệ (33,7 tỷ USD), tương đương với khoảng 1/5 nền kinh tế của thành phố này.

Dư thừa công suất

Dấu hiệu dư thừa công suất đang xuất hiện.

Duo Fu, Phó Chủ tịch của Rystad Energy, cho biết các dự báo cho thấy Trung Quốc sẽ sớm có thể đáp ứng mọi nhu cầu toàn cầu về pin lithium-ion.

trung quoc_cong nghe cao 2.jpg
Dây chuyền sản xuất tự động stator và rotor của động cơ tại một nhà máy ở Trùng Khánh (Trung Quốc) ngày 24/8/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tương tự, dữ liệu của Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho thấy các nhà sản xuất ôtô của nước này, bao gồm cả các nhà sản xuất xe điện, có công suất sản xuất 43 triệu xe mỗi năm vào cuối năm 2022, với các nhà máy chỉ hoạt động ở mức 54,5% công suất.

Thật không may, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp và mức tiêu thụ chậm lại đã hạn chế những gì có thể mua được trong nước.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy sau nhiều thập kỷ ưu tiên nguồn cung, tiêu dùng hộ gia đình chỉ chiếm 38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm 2021, ngay cả trước khi có đợt phong tỏa khắc nghiệt nhất vì dịch COVID-19, so với 68% của Mỹ và 55% - mức trung bình của thế giới.

Lu Zhengwei, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Công nghiệp Thượng Hải, cho biết về phương diện nào đó, cuộc chạy đua đầu tư vào các lĩnh vực tiên tiến là có lợi cho Trung Quốc.

“Nói chung, tôi nghĩ việc đầu tư vào các lĩnh vực mới là lành mạnh và sẽ hỗ trợ sự phát triển lâu dài của các lĩnh vực này. Họ đang đầu tư trong khi nhận thấy tình trạng dư thừa công suất và điều này thúc đẩy sự phát triển công nghệ.”

Đối với nền kinh tế toàn cầu, sản xuất của Trung Quốc có thể giúp kiềm chế lạm phát.

“Các sản phẩm của Trung Quốc có thể đạt được khả năng cạnh tranh. Đổi lại, điều này có thể làm tăng áp lực giảm phát trên thị trường hàng hóa toàn cầu, giúp hạn chế lạm phát” - ông Neumann cho biết.

Cả hai quan điểm đều không làm giảm căng thẳng thương mại, đặc biệt khi nhiều quốc gia đang thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ các ngành công nghệ cao trong nước.

Một cố vấn thương mại của Chính phủ Trung Quốc giấu tên cho biết: “Về lâu dài, chúng tôi cần có một quá trình điều chỉnh. Chúng ta nên để các lực lượng thị trường loại bỏ một số công ty.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục