Trung Quốc ngang ngược nói về khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Ngày 7/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố không loại trừ khả năng thiết lập ADIZ trên các vùng biển tranh chấp và các đảo ở Biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược nói về khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông ảnh 1Ngày 28/11, máy bay  chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật đã bay qua vùng ADIZ mà Trung Quốc tự công bố trên biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực, ngày 7/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn ra tuyên bố sai trái rằng nước này không loại trừ khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển tranh chấp và các đảo ở Biển Đông.

Đài Bắc Kinh dẫn lời bà này nói "vấn đề thiết lập một ADIZ phụ thuộc vào tình huống xuất hiện nguy cơ đe dọa nào đó cũng như nhiều yếu tố khác cần phải được tính đến."

Trước đó cùng ngày, giới chức quân đội Philippines đã nhắc đến việc Trung Quốc dự định thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear ngày 15/4 cho rằng Trung Quốc đang có những hành vi “hung hăng” tại Biển Đông, với mục tiêu là thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tương tự như Trung Quốc đã làm trên Biển Hoa Đông.

Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Đô đốc Locklear đã nêu bật các hoạt động cải tạo đất, xây dựng cơ sở của Trung Quốc tại tám nơi được ông gọi là tiền đồn của Bắc Kinh ở cả hai vùng Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tại Trường Sa, đó là những công trình bồi đắp quy mô lớn, còn tại Hoàng Sa là việc nâng cấp các cơ sở có sẵn.

Hồi tháng 11/2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đơn phương công bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm cả không phận trên quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), vốn là chủ đề của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Vừa qua, các báo lớn như Tấm gương (Der Spiegel) của Đức, Le Figaro của Pháp, kênh truyền hình uy tín N-TV của Đức đã đăng bài viết nhấn mạnh việc Trung Quốc xây đường băng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông là “cao trào mới” trong tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Dẫn phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, các trang tin châu Âu tỏ ra đặc biệt quan ngại trước việc Trung Quốc tiến hành xây dựng, mở rộng các đảo, bãi đá chiếm đóng phục vụ mục đích quân sự cũng như phá vỡ nguyên trạng, tạo “sự đã rồi” tại Biển Đông.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục