Trung Quốc đang cung cấp hàng tỷ nhân dân tệ thông qua các phiếu/mã mua hàng giảm giá để hỗ trợ các nhà bán lẻ chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuy nhiên, các khoản trợ cấp này chưa hỗ trợ nhiều cho nhu cầu chi tiêu theo mong muốn vốn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế.
Một số lượng lớn phiếu/mã mua hàng giảm giá được sử dụng để mua các hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày tại các siêu thị trong khi không thúc đẩy hoạt động chi tiêu vào dịch vụ ăn uống của các nhà hàng, du lịch hay các hàng hóa có giá trị lớn.
Trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực khôi phục chi tiêu tiêu dùng trong nước và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các nhà phân tích tỏ ra “băn khoăn” về mức độ hiệu quả của các phiếu/mã mua hàng giảm giá trong việc khôi phục chi tiêu tiêu dùng trong nước.
Nhà nghiên cứu Zhang Qidi, cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Quốc tế tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh, cho rằng rất nhiều phiếu/mã giảm giá mua hàng được sử dụng để mua các hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.
Các biện pháp ứng phó dịch COVID-19 mà Trung Quốc thực hiện hồi đầu năm 2020 đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý 1/2020 sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 1992.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 3/2020 giảm 15,8%, sau khi đã sụt giảm trong hai tháng đầu năm 2020. Chi tiêu vào dầu ăn, thực phẩm và ngũ cốc của người dân ở Trung Quốc trong tháng 3/2020 tăng 19,2% trong khi doanh số bán ôtô giảm hơn 18%.
Để hỗ trợ ngành bán lẻ, giới chức các địa phương, doanh nghiệp và các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc đang cung cấp các phiếu/mã mua hàng giảm giá.
[Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục trong phần còn lại của 2020]
Nhà kinh tế trưởng Shen Minggao của GF Securities cho biết với vai trò như một giải pháp ngắn hạn, các phiếu/mã mua hàng giảm giá có thể “thôi thúc” người tiêu dùng đi mua sắm song không cần thiết phải chi tiêu quá nhiều. Theo nhà kinh tế này, nếu giá trị của phiếu/mã giảm giá mua hàng thấp thì sẽ không có tác động lớn trong việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Trong hai tháng qua, chính quyền của Trùng Khánh, Giang Tô, Quảng Đông và các tỉnh khác ở Trung Quốc đã triển khai kế hoạch cung cấp phiếu mua hàng giảm giá cho cư dân địa phương để sử dụng các dịch vụ ăn uống của các nhà hàng và đi mua sắm ở các cửa hàng.
Cô Winnie Du, một lao động làm việc trong lĩnh vực bất động sản, đã nhận được 5 phiếu giảm giá mua hàng trị giá 10 nhân dân tệ (1,41 USD)/phiếu của từ các cơ quan chức năng của tỉnh Hàng Châu trong tháng 4/2020 và đã sử dụng chúng khi mua dầu gội đầu, kem đánh răng và kem dưỡng da tay.
Citic Securities hồi tháng 3/2020 dự đoán số phiếu giảm giá có tổng giá trị gần 35 tỷ nhân dân tệ sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng thêm gần 63 tỷ nhân dân tệ, cao gấp 1,8 lần giá trị của số phiếu giảm giá nói trên.
Trong khi đó, Cơ quan Thương mại Hàng Châu cho biết thành phố này đến ngày 10/4 đã cung cấp số phiếu giảm giá mua hàng có giá trị 257 triệu nhân dân tệ và dự kiến điều này sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân ở thành phố này tăng thêm 2,66 tỷ nhân dân tệ.
Tuy vậy, nhà bán lẻ Suning - chuyên kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng, sản phẩm may mặc, đồng thời cũng điều hành nhiều siêu thị, đã cung cấp 600 triệu nhân dân tệ phiếu giảm giá hồi cuối tháng 2/2020 cho khoảng 1 triệu người tiêu dùng và doanh số ức gà, thịt bò, đồ uống và “bim bim” tăng hơn gấp đôi chỉ trong một tuần.
Nhà kinh tế trưởng Li Daxiao của Yingda Securities cho rằng Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay cần dành ưu tiên thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng vào thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu trong khi chi tiêu cho các hàng hóa giá trị lớn hơn như ôtô có thể sẽ được nước này hỗ trợ trong giai đoạn sau./.