Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc ngày 26/8 đã thành lập Ủy ban Chuyên gia Thương mại Quốc tế (ICEC) với sự tham gia của 32 chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, tòa án trên cho biết ICEC được thành lập nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và tạo thuận lợi cho công tác của các tòa án thương mại quốc tế, theo đó hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế thông qua hòa giải, trọng tài và tố tụng.
Các thành viên ủy ban trên đến từ các hệ thống luật pháp và thẩm quyền pháp lý khác nhau, gồm các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia pháp lý và giới học giả, cùng nhiều thẩm phán và luật sư có kinh nghiệm.
[Mỹ giám sát pháp lý đối với tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc]
Trước đó, ngày 29/6 vừa qua, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã thành lập hai tòa án thương mại quốc tế đầu tiên ở thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông và thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây.
Trung Quốc lập các ủy ban và tòa án thương mại quốc tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa nước này và Mỹ đang leo thang.
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung chính thức đầu tiên kể từ đầu tháng 6, diễn ra từ ngày 22-23/8, đã kết thúc mà không đạt đột phá nào. Hiện hai nước áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa tìm được lối thoát đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả thế giới.
Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%./.