Trung Quốc trở thành khách hàng lớn mua nhiên liệu của Nga

Theo Giám đốc điều hành tập đoàn Rosneft, Nga đã cung cấp hơn 75 triệu tấn dầu cho Trung Quốc trong năm nay, tăng 25% so với năm trước và sẽ đạt mức tối đa lịch sử - hơn 30 tỷ m3.
Trung Quốc trở thành khách hàng lớn mua nhiên liệu của Nga ảnh 1Nhà máy lọc dầu của Gazprom ở ngoại ô Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thư ký Ủy ban Tổng thống về Phát triển Tổ hợp Nhiên liệu và Năng lượng, Giám đốc điều hành tập đoàn Rosneft, ông Igor Sechin ngày 19/10 cho biết trong giai đoạn từ tháng 1-8/2023, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu số 1 cho Trung Quốc, vượt qua Saudi Arabia.

Tại Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Nga-Trung lần thứ năm, ông Sechin phát biểu: “Nga đã cung cấp hơn 75 triệu tấn dầu cho Trung Quốc trong năm nay, tăng 25% so với năm trước. Năm nay, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc sẽ đạt mức tối đa lịch sử - hơn 30 tỷ m3. Những cơ hội mới trong lĩnh vực vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc đang được thảo luận.”

Ông Sechin cho biết năm 2022, Trung Quốc cũng trở thành khách hàng mua than lớn nhất của Nga - nguồn cung tăng 1/4 và lên tới 67 triệu tấn.

[Xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc cao nhất kể từ tháng 2/2022]

Ngoài ra, ông Sechin cho biết thêm, hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân ngày càng mở rộng, trong đó nổi bật là Nhà máy điện hạt nhân Tianwan (ở thành phố Liên Vận Cảng) là một trong những dự án hợp tác kinh tế lớn nhất giữa hai nước.

“Hiện 2 tổ máy điện theo thiết kế của Nga công suất 1.200 MW mỗi tổ máy đang được xây dựng tại Nhà máy điện hạt nhân Tianwan. Bốn tổ máy được xây dựng trước đó thuộc dự án VVER-1000 của Nga đang vận hành thành công và cung cấp hàng tỷ kilowatt giờ điện vào hệ thống năng lượng của Trung Quốc,” ông Sechin nhấn mạnh. Nhà máy điện hạt nhân Xudapu cũng đang được xây dựng ở tỉnh Liêu Ninh.

Theo ông Sechin, Nga sản xuất 12% lượng hydrocarbon lỏng của thế giới, Trung Quốc chiếm 14% lượng tiêu thụ toàn cầu. Hiện 90% khối lượng thanh toán giữa hai nước đã chuyển sang sử dụng đồng nội tệ.

Nga tiếp tục đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với Trung Quốc theo toàn bộ chuỗi giá trị trong lĩnh vực năng lượng và các lĩnh vực liên quan, bao gồm công nghệ, cung cấp thiết bị và tài trợ dự án. Ông bày tỏ tin tưởng tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn và hai nước chỉ bắt đầu triển khai con đường này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục