Trung Quốc trước thách thức đảo ngược đà giảm tốc của nền kinh tế

Nền kinh tế giảm tốc một cách đáng ngại khiến kế hoạch tái lập một trạng thái "bình thường mới" với tăng trưởng thấp hơn và ổn định hơn của Trung Quốc trở thành một thách thức thật sự.
Trung Quốc trước thách thức đảo ngược đà giảm tốc của nền kinh tế ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Trạng thái "bình thường mới" của nền kinh tế với tăng trưởng thấp hơn và ổn định hơn là điều nằm trong kế hoạch của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, tuy nhiên, tình trạng giảm tốc trở nên đáng ngại, khiến việc đảo ngược xu hướng này trở thành một thách thức.

Mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra trong năm nay là 7%, trong lúc chuyển mô hình tăng trưởng từ dựa vào thương mại và đầu tư sang một mô hình bền vững hơn dựa trên chi tiêu tiêu dùng nội địa.

Xuất khẩu được giả định tăng trưởng 6% trong năm nay, nhưng lại đang trong tình trạng giảm.

Các nhà máy đang cắt giảm hàng triệu việc làm. Các ngành kinh tế mới như thương mại điện tử đang phát triển, nhưng quy mô còn có quá nhỏ, chưa thể bù lại những việc làm bị mất trong các ngành truyền thống.

Trung Quốc đã thành công trong việc hạ nhiệt thị trường bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên, việc tạo ra một nền kinh tế tiêu dùng sẽ cần thêm thời gian bởi người tiêu dùng vẫn thắt lưng buộc bụng trong lúc vẫn chưa an tâm về vấn đề việc làm.

Các ngành công nghiệp nặng, khai thác than và thép đã cắt giảm lực lượng lao động, trong khi ngành bán lẻ và các ngành non trẻ đang phát triển nhưng với quy mô còn khiêm tốn.

Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm 8,3% trong tháng Bảy vừa qua. Có thể nước này sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay. Số việc làm ở các nhà máy tại Quảng Đông, trung tâm xuất khẩu của Trung Quốc, trong quý 1 năm nay, giảm gần 5 triệu so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 13,3 triệu.

Lo ngại về tình trạng mất việc làm đã buộc Chính phủ Trung Quốc phải bơm tiền vào nền kinh tế thông qua xây dựng đường sắt và các biện pháp khác, đi ngược lại những nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đầu tư.

Lãi suất cũng đã nhiều lần được hạ xuống kể từ tháng 11/2014. Biện pháp này đã giảm chi phí vay vốn của các doanh nghiệp nhà nước nhưng lại không giúp ích nhiều cho các doanh nhân làm ăn tốt và tạo được việc làm nhưng hạn chế trong tiếp cận hệ thống ngân hàng nhà nước.

Giới phân tích độc lập cho rằng cách nhanh nhất để tạo lực cho nền kinh tế Trung Quốc là đẩy nhanh hơn các cải cách đã cam kết để cách doanh nghiệp đóng vai trò lớn hơn.

Động thái điều chỉnh tỷ giá vừa qua của Trung Quốc đã bị một số nhà phân tích cho là nỗ lực để vực hoạt động xuất khẩu đang giảm sút. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng giảm giá trị đồng nhân dân tệ 3% là quá nhỏ để có thể xoay chuyển tình hình, khi nhu cầu toàn cầu thấp.

Một vấn đề cũng được đặt ra là tín dụng tăng trong tháng Bảy, trong đó bao gồm các khoản cho vay đối với một công ty nhà nước có nhiệm vụ mua cổ phiếu để giải cứu thị trường đang tuột dốc. Trong khi đó, dòng tín dụng hướng đến các doanh nghiệp lại giảm.

Giới lãnh đạo Trung Quốc muốn các ngân hàng nhà nước được định hướng thị trường và cạnh tranh hơn, nhưng các doanh nghiệp hạn chế khi vay vốn và phải vay từ các ngân hàng ngầm với lãi suất cao.

Trong lúc đó, hoạt động bán lẻ là điểm sáng trong nền kinh tế Trung Quốc, với tăng trưởng tháng Bảy dù giảm nhưng vẫn ở mức cao là 10,4%. Còn một số phân khúc đang chứng kiến sự giảm sút.

Cùng với đó, sự gia tăng chóng mặt và cú lao dốc bất thình lình của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư nhỏ bị một phen choáng váng và đe dọa kéo lùi kế hoạch cải cách kinh tế với hy vọng khuyến khích nhiều người dân đầu tư vào các thị trường và các doanh nghiệp nhà nước huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu để giảm nợ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục