Trung Quốc vượt châu Âu về đầu tư năng lượng tái sinh

Đầu tư toàn cầu cho năng lượng tái sinh giảm 14% trong năm 2013 và Trung Quốc lần đầu tiên đã "qua mặt" châu Âu trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 7/4, đầu tư toàn cầu cho năng lượng tái sinh giảm 14% trong năm 2013 và Trung Quốc lần đầu tiên đã "qua mặt" châu Âu trong lĩnh vực này.

Báo cáo cho biết đầu tư của thế giới cho năng lượng tái sinh (ngoài thủy điện) trong năm ngoái dừng ở hơn 214 tỷ USD, giảm 35 tỷ USD so với năm trước và giảm 23% so với mức kỷ lục năm 2011.

Tại châu Âu, khu vực lâu nay vẫn đi đầu thế giới về ủng hộ phát triển năng lượng tái sinh, đầu tư cho lĩnh vực này năm ngoái giảm 44% xuống còn 48 tỷ USD, so với 56 tỷ USD ở Trung Quốc và 36 tỷ USD ở Mỹ. Sau chín năm tăng trưởng, đầu tư cho năng lượng tái sinh ở các nước đang phát triển lần đầu tiên đã giảm trong năm ngoái.

Báo cáo cho rằng bất trắc chính trị ở một số thị trường, cụ thể là các chính phủ những nước này không tỏ rõ quan điểm có ủng hộ phát triển năng lượng tái sinh hay không, và giá thành các thiết bị năng lượng Mặt Trời giảm, là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm về đầu tư cho năng lượng tái sinh.

Theo báo cáo, thông tin trên không hoàn toàn là xấu đối với khu vực năng lượng tái sinh bởi vì sản lượng điện từ nguồn năng lượng này trên thế giới năm ngoái vẫn chiếm tỷ lệ 8,5%, tăng so với 7,8% trong năm trước đó.

Ngoài thủy điện, năng lượng tái sinh chiếm gần 44% công suất các thiết bị phát điện mới được lắp đặt trong năm 2013. Năng lượng mặt trời vẫn giành được sự ủng hộ mạnh nhất từ các nhà đầu tư cho dù giá lắp đặt trung bình đối với một thiết bị đã giảm 60%.

Các công ty năng lượng tái sinh cũng đã nhận được ủng hộ nhiều hơn từ các nhà đầu tư tư nhân, với lượng vốn tăng gấp đôi lên mức kỷ lục 11 tỷ USD trong năm qua.

Trước đó, Ủy ban liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ hơn bao giờ hết về những hiểm họa mà một hệ thống khí hậu bị tàn phá có thể gây ra cho các thế hệ trong tương lai.

Chủ tịch Ủy ban Rajendra Pachauri khẳng định không khu vực nào trên thế giới có thể thoát khỏi những tác động từ biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục