Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết cơ quan này vừa yêu cầu Ban An toàn giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh và của tỉnh Bình Dương kiểm tra, khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông theo phản ánh của báo chí.
Ngày 20/4, báo chí phản ánh trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua khu vực giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương từ Bến xe Miền Đông mới đến khu vực Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trong thời gian qua tồn tại tình trạng kẻ xấu rải vật sắc nhọn (đinh) nhằm trục lợi bất chính (trong việc vá, thay săm, lốp), uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người lưu thông khiến dư luận xã hội rất bức xúc.
[Khởi tố chủ tiệm sửa xe rải đinh trên quốc lộ 51 bẫy người đi đường]
Hành vi rải vật sắc nhọn trên đường bộ được quy định bị xử phạt theo cả chế tài của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể hóa tại Điều 11 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Việc tái diễn nhiều lần hành vi nguy hiểm này có thể xem xét xử lý theo quy định tại Điều 261, Bộ luật Hình sự 2015.
“Hành vi rải đinh trên đường bộ cần phải bị lên án, bị trừng trị theo những chế tài nghiêm khắc nhất được pháp luật quy định, đặc biệt là những cá nhân cố tình vi phạm và tái phạm, trong điều kiện cả nước đang tập trung thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19,” ông Nguyễn Trọng Thái nhấn mạnh.
Để ngăn ngừa và khắc phục triệt để tình trạng trên, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ban An toàn giao thông các địa phương trên địa bàn xác minh nội dung phản ánh của báo chí, xử lý nghiêm khắc cá nhân có hành vi vi phạm.
Đồng thời, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu xác định trách nhiệm có liên quan của đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở, uy hiếp an toàn giao thông.
Ban An toàn giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh và của tỉnh Bình Dương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, chủ động thông tin cho cơ quan chức năng về những đối tượng có hành vi rải đinh và các hành vi cản trở giao thông đường bộ; có hình thức khen thưởng với người dân đã tình nguyện thu gom đinh nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn./.