Trước thềm Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN

Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN năm 2010 trong bối cảnh hiệp hội đang chuyển giai đoạn mới, thực chất và hiệu quả hơn.
Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2010 trong bối cảnh hiệp hội đang triển khai hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN và sự hợp tác ASEAN, cả nội khối và ngoại khối, đang chuyển sang một giai đoạn mới, thực chất và hiệu quả hơn.

Một năm thực hiện Hiến chương ASEAN

Năm 2009, ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Sau hơn một năm chính thức được thực hiện, Hiến chương ASEAN đã góp phần tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên, góp phần nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Đối với ASEAN, hai hội nghị cấp cao diễn ra trong năm 2009 có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa tiến trình hội nhập ASEAN bước sang giai đoạn mới.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14, được tổ chức tại Chaam-Huahin (Thái Lan) với chủ đề "Hiến chương ASEAN vì nhân dân ASEAN", đã khẳng định quyết tâm tăng cường liên kết nội khối trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới xây dựng và hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên ba trụ cột chính là Cộng đồng chính trị-an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa-xã hội.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao ý nghĩa của Hiến chương ASEAN, nhấn mạnh tình đoàn kết ASEAN là một trong những yếu tố then chốt giúp ASEAN bảo đảm liên kết nội khối thành công, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 và các hội nghị liên quan được xem là cột mốc quan trọng đối với ASEAN trên con đường hướng tới một thị trường nội khối vào năm 2015.

Hội nghị còn đánh dấu việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN phụ trách nhân quyền (AICHR), phản ánh quyết tâm của ASEAN trong việc thành lập một cộng đồng thực sự lấy con người làm trọng tâm.

Hội nghị còn thể hiện quan điểm chung của các nước thành viên ASEAN đối với các vấn đề kinh tế toàn cầu. Các nước thành viên đã đạt được một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại, nhất trí duy trì các gói kích thích kinh tế để đảm bảo sự phục hồi bền vững sau khủng hoảng.

Nhân kỷ niệm một năm chính thức thực hiện Hiến chương ASEAN, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã nhấn mạnh rằng mặc dù mỗi nước thành viên có những điều kiện và vấn đề khác nhau, nhưng ASEAN đã và đang vượt qua nhiều trở ngại, thách thức để không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.

Các nước ASEAN sẽ thành công trong việc loại trừ những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế hiện nay.

Vị thế của ASEAN và những thách thức đối với Việt Nam

Với 580 triệu dân và tổng GDP năm 2008 lên tới 1.500 tỷ USD, ASEAN có nền kinh tế lớn hơn Ấn Độ và kim ngạch thương mại đứng thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản.

ASEAN đang ngày càng nhận được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế và sự đóng góp của hiệp hội ngày càng được nhiều quốc gia và tổ chức ghi nhận.

Đến nay, đã có khoảng 30 nước cử phái bộ hoặc bổ nhiệm Đại sứ tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia). Mỹ và Trung Quốc dự định lập phái bộ thường trực tại Jakarta trong nửa đầu năm 2010, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có kế hoạch tương tự.

Các cơ chế hợp tác của ASEAN ngày càng hiệu quả và không ngừng được mở rộng như ASEAN+1, ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị cấp cao Đông Á, ARF...

ASEAN cũng được mời tham dự các hội nghị Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20) ở London (Anh) và Pitsburg (Mỹ).

Nhân Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Mỹ lần thứ nhất tại Singapore, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nối vòng tay thân hữu với 10 nhà lãnh đạo ASEAN, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-ASEAN với việc Washington công khai thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. ASEAN ngày càng tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2010. Trong năm làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ chủ trì một loạt hội nghị quan trọng gồm hai hội nghị cấp cao ASEAN, các hội nghị cấp cao ASEAN với các bên đối thoại (ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á).

Ngoài ra, còn gần 10 hội nghị cấp bộ trưởng của 4 hội đồng ASEAN là Hội đồng điều phối và 3 hội đồng về Cộng đồng chính trị-an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa-xã hội; hàng loạt hội nghị cấp thứ trưởng hoặc tương đương.

Thách thức đặt ra đối với Việt Nam là phải phát huy vai trò của toàn khối trong quan hệ với các cường quốc; tăng cường sự đoàn kết và hợp tác trong ASEAN, nâng cao vai trò của hiệp hội trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh hợp tác ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam và Việt Nam luôn là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Việt Nam sẽ quyết tâm và dành ưu tiên cao nhất để thực hiện thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2010.

Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, đã bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, sẽ đưa ra nhiều sáng kiến làm vai trò đầu tàu để ASEAN được biết đến rộng rãi hơn trên trường quốc tế.

Theo ông Pitsuwan, mỗi khi nhắc tới Đông Nam Á, các nước đều hướng sự quan tâm tới Việt Nam. Việt Nam là điển hình của một quốc gia phát triển nhanh và có những chính sách đổi mới hiệu quả. Việt Nam đang thu hút đầu tư rất lớn từ nhiều nơi trên thế giới. Một chủ tịch năng động như Việt Nam sẽ khiến cả thế giới chú ý tới ASEAN.

Việt Nam sẽ giương cao lá cờ ASEAN tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Với sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2010./.

Thu Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục