Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển thành đại học

Với quyết định này, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học thứ hai được chuyển sang mô hình đại học, sau Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển thành đại học ảnh 1Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: https://ueh.edu.vn/)

Hôm nay, 4/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành quyết định 1146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào quyết định thành lập Hội đồng Đại học, công nhận Chủ tịch Hội đồng Đại học và công nhận Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ ở các lĩnh vực đào tạo khác nhau nhận văn bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

[Trường Đại học Bách khoa Hà Nội kiện toàn bộ máy theo mô hình mới]

Với quyết định này, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học thứ hai được chuyển sang mô hình đại học. Trước đó, cuối năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã được Chính phủ quyết định chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có mô hình tiêu biểu của các đại học thế giới với ba cấp độ quản trị: Cấp đại học (university), cấp trường thành viên (college), phân hiệu (branch) và cấp khoa/viện (school/Institute). Quy mô đào tạo của toàn trường hiện hơn 36.000 người học, với 38 ngành trình độ đại học, 19 ngành trình độ thạc sỹ và 14 ngành trình độ tiến sỹ.

Đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay đây là bước phát triển từ năng lực nội sinh được tích lũy qua gần 50 năm hình thành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam và xu thế phát triển của đại học trên thế giới.

Việt Nam hiện có trên 240 trường đại học, học viện nhưng chỉ có 7 đại học, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại học hoạt động theo mô hình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển thành đại học ảnh 2Trước đó, hồi tháng Ba, Đại học Bách khoa Hà Nội đã kiện toàn nhân sự theo mô hình đại học. (Ảnh: hust.vn)

“Thống kê 1.000 đại học đứng đầu bảng xếp hạng các đại học tốt nhất QS World, có đến 96% là đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, tôi cho rằng, việc nâng cấp mô hình thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực là cơ sở để đưa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung vươn tầm quốc tế," Giáo sư Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh  chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, mô hình trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực ra đời ở Việt Nam những năm sau khi thống nhất đất nước đã cung cấp kịp thời nguồn nhân lực chuyên môn sâu nhằm phục vụ cho quá trình tái thiết đất nước. Tuy nhiên, điều kiện kỷ nguyên số hiện nay dẫn đến sự phát triển tất yếu của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, nhằm giải quyết các vấn đề đương đại và hành động vì sự phát triển bền vững. Đây là bước phát triển về nội lực, về “chất”, không chỉ dừng lại ở việc thay đổi tên gọi từ “trường đại học” thành “đại học”. Để chính thức trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, bài bản. 

Theo Luật Giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi năm 2018, trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số các cơ sở giáo dục khác.

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng nhiều điều kiện. Cụ thể, trường đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Về quy mô, trường cần ít nhất 3 trường đại học trực thuộc và ít nhất 10 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, đào tạo chính quy từ 15.000 sinh viên trở lên.

Trường cũng cần có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp - với đại học công lập, với trường tư thục cần sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số người, đại diện góp vốn. Trường cũng phải xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học do các trường đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung đồng thời làm rõ các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản, các nội dung khác (nếu có).

Nghị định cũng cho phép các trường đại học đơn lập được liên kết để trở thành đại học chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục