Truyền thông Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong lĩnh vực R&D

Năm 2019, số lượng nhân sự R&D của LG tại Việt Nam chỉ vào khoảng 200 người, nhưng đến tháng 1/2023, bộ phận R&D tại Việt Nam với khoảng 750 người đã tách cơ chế hoạt động độc lập.

Dây chuyền sản xuất ô tô của Hyundai Thành Công. (Ảnh minh họa: Đức Phương/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất ô tô của Hyundai Thành Công. (Ảnh minh họa: Đức Phương/TTXVN)

Theo bài viết đăng tải trên báo Donga Ilbo của Hàn Quốc, Việt Nam đang được coi là "công xưởng thế hệ tiếp theo" và là thị trường đang phát triển để thay thế một số thị trường khác để trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tiên tiến.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo bài trên cho biết hiện tại, có khoảng 1.000 nhân viên R&D thiết bị điện và điện tử ôtô (thiết bị điện) đang làm việc tại các công ty con R&D của LG Electronics Việt Nam tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Hiện chỉ có 6 nhân viên Hàn Quốc là người nước ngoài, số còn lại đều là nhân viên được thuê trong nước. Năm 2019, số lượng nhân sự R&D của LG tại Việt Nam chỉ vào khoảng 200 người, nhưng đến tháng 1/2023, bộ phận R&D tại Việt Nam với khoảng 750 người đã tách cơ chế hoạt động độc lập.

Bài viết chỉ rõ khả năng cạnh tranh R&D của Việt Nam được hưởng lợi từ những thay đổi trong chính sách của chính phủ. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu vượt xa mô hình “Made in Vietnam” trước đây vốn chỉ giới hạn ở vai trò là cơ sở gia công thuê để trở thành trung tâm sản xuất với kỹ thuật và năng lực sản xuất của chính mình và đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Các trường đại học trong nước thời gian qua đã tập trung đào tạo các kỹ sư chuyên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đi theo xu hướng này, sự hiện diện của Trung tâm R&D LG Electronics Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh. Vai trò của các nhà phát triển Việt Nam, những người chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển và thử nghiệm các chức năng điện tử cơ bản bằng cách phân tích đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất ôtô, đã được mở rộng sang việc thiết kế các chức năng cốt lõi.

Ông Jeong Seung-min - người đứng đầu Trung tâm R&D tại Việt Nam- cho biết cơ sở nghiên cứu của LG tại Việt Nam chịu trách nhiệm phát triển phần mềm (SW) liên quan đến thiết bị điện, điện tử ôtô của LG Electronics.

Ban đầu, cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam chỉ có thể thực hiện 20% toàn bộ quá trình nghiên cứu R&D, nhưng bây giờ đã có thể thực hiện lên tới 60% công đoạn và dự kiến sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Chuyên gia Jeong Seung-min cho biết LG áp dụng chính sách khuyến khích nghiên cứu. Theo đó các kỹ sư công nghệ Việt Nam nếu được chọn làm chuyên gia của LG sẽ được chi trả một khoản phụ cấp hàng tháng và có cơ hội thực hiện các dự án cá nhân dưới hình thức “mỗi người một nhiệm vụ.”

LG cũng tạo cơ hội cho các nhà phát triển xuất sắc kết nối với các chuyên gia ở trụ sở chính tại Hàn Quốc. Kết quả, các nhà phát triển Việt Nam đã thể hiện khả năng và động lực làm việc rất tích cực.

Họ lập nhóm nghiên cứu và làm việc ngay cả ngày nghỉ. Kết quả đáng ghi nhận là 5 trong số 10 chuyên gia mã nguồn được LG Electronics lựa chọn năm 2023 đến từ cơ sở nghiên cứu R&D Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục