Tự chủ bệnh viện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, việc cho phép các bệnh viện tự chủ về tài chính là nhằm mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo chăm sóc người dân.
Tự chủ bệnh viện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ảnh 1Các đại biểu tham gia tọa đàm tại điểm Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 28/8, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Tự chủ bệnh viện: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh."

Khách mời tọa đàm gồm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên; Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K. Mục tiêu nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện; nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài; bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý…

[‘Tự chủ nhưng không buông để bệnh viện chạy theo lợi ích kinh doanh’]

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ý kiến cho rằng, việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện sẽ gây ra tình trạng phá vỡ y tế tuyến dưới. Người bệnh lo ngại khi các bệnh viện tự chủ toàn bộ liệu có dẫn tới tình trạng lạm thu hoặc tăng giá dịch vụ y tế.

Lý giải về việc này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết, Chính phủ giao quyền tự chủ để các bệnh viện có điều kiện phát triển những ngành chuyên môn mang tính mũi nhọn, đồng thời phải hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Các bệnh viện tự chủ về tài chính nhưng phải thành lập Hội đồng quản trị để quản lý tốt hơn, đưa ra những quy định về mức sử dụng tài sản để phù hợp với hoạt động của mình, thậm chí có thể thuê giám đốc điều hành.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, ông Liên cho biết, bệnh viện được phép quyết định mức giá dịch vụ và sử dụng nguồn tài chính để chăm sóc cho người bệnh tốt hơn, nhưng vẫn phải tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đồng tình với quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, việc cho phép các bệnh viện tự chủ về tài chính là nhằm mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn. Đây cũng là quyết định nhằm tạo cơ chế thông thoáng, không bị ràng buộc bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Việc thí điểm tự chủ tài chính đối với 4 bệnh viện để có những tổng kết, đánh giá chất lượng tiến tới nhân rộng ra toàn quốc.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc tự chủ tài chính chắc chắn chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được nâng lên, đương nhiên chi phí cũng sẽ tăng. Đó là cơ hội để những đối tượng có điều kiện kinh tế lựa chọn dịch vụ y tế chất lượng cao.

"Rất nhiều người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị với giá cả rất đắt đỏ. Trao quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện trong nước cũng là cơ hội để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao mà không phải đi xa," ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, việc thực hiện quyền tự chủ và chính sách xã hội hóa ngành y đã giúp cho bệnh viện phát triển, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực góp phần giúp bệnh nhân được khám chữa bệnh với chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc tự chủ tài chính giúp bệnh viện làm chủ được về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các kỹ thuật mới hiện đại.

Theo ông Hiền, mỗi năm bệnh viện Bạch Mai thu hút gần 2 triệu lượt khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú cho hơn 161.000 trường hợp. Bệnh viện đã củng cố và xây dựng thêm một số dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; xây dựng thêm Trung tâm khám chữa bệnh với khả năng tiếp nhận 6.000 bệnh nhân/ ngày; xây dựng cơ sở 2 tại Phủ Lý (Hà Nam) với quy mô hơn 1.000 giường bệnh.

Phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai việc tự chủ kinh tế, ông Hiền cho biết, điều quan trọng là làm sao vừa đạt mục đích nâng cao chất lượng nhưng giá cả hợp lý và đúng quy định của pháp luật. Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có những việc trước đây là thẩm quyền của Bộ trưởng Y tế thì nay là của Giám đốc bệnh viện. Vì vậy, Bệnh viện Bạch Mai đã đã xây dựng xong quy chế hoạt động và ban hành văn bản hướng dẫn kèm theo. Bên cạnh việc đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại, bệnh viện cũng đã cử các cán bộ, bác sỹ đi học tập, đào tạo ở nước ngoài đề nâng cao trình độ chuyên môn, hướng đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền cũng khẳng định, bệnh viện luôn xác định đối tượng phục vụ chính vẫn là những bệnh nhân sử dụng dịch vụ vì trong đó tỷ lệ lớn là trẻ em, người già và người có công. Về việc chia tỷ lệ gường bình thường và giường dịch vụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền nhấn mạnh, sẽ dành để đáp ứng nhu cầu cho người dân sử dụng bảo hiểm y tế, phần còn lại mới bố trí vào dịch vụ..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục