Từ đam mê hội họa đến vẽ hoạt hình 4.000 năm sử Việt của cô gái trẻ

Duy trì tình yêu với bộ môn vẽ, Đặng Thanh Huyên sinh năm 1992 vô tình nhận ra lịch sử Việt Nam vô cùng thú vị. Dù làm nghề sáng tạo, cô bạn có ý thức rất rõ việc phải tôn trọng sự thật lịch sử.
Đặng Thanh Huyên và cuốn sách đầu tay ''Việt sử diễn họa''. (Ảnh: NVCC)
Đặng Thanh Huyên và cuốn sách đầu tay ''Việt sử diễn họa''. (Ảnh: NVCC)

Khi các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, việc học lịch sử trên trường lớp từ sách giáo khoa không còn là cách duy nhất để tìm hiểu quá khứ. Giờ đây, người trẻ thích tìm đọc thông tin qua hình ảnh bắt mắt, nội dung sống động giống như phim hay tham gia các hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội…

Thanh Huyên là một cô gái hiếm hoi tham gia và đáp ứng cả ba nguồn tư liệu ấy. Cô là tác giả của cuốn sách “Việt sử diễn họa” đầy màu sắc tươi tắn, là cây bút vẽ bối cảnh của sê-ri hoạt hình lịch sử “Hào khí ngàn năm” phát trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam VTV và là đồng quản trị viên của “Đại Việt cổ phong” - một diễn đàn lâu đời về tìm hiểu lịch sử trên Facebook.

Từ đam mê hội họa đến lịch sử

Sau khi 2.000 tập phim “Hào khí ngàn năm” ngừng phát hành năm 2018, nhiều kênh YouTube tự phát vẫn tìm cách ghép nhiều tập vào với nhau để đăng tải trên kênh của mình nhằm kiếm lượt xem. Đây là sê-ri hoạt hình về lịch sử Việt Nam từng lên sóng các kênh truyền hình VTV1 và VTV3, nhiều tập phim mới tái xuất vài ngày trên YouTube đã đạt hàng chục ngàn lượt xem.

Từ đam mê hội họa đến vẽ hoạt hình 4.000 năm sử Việt của cô gái trẻ ảnh 1Bối cảnh của tập phim Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên. (Ảnh: NVCC)

“Hào khí ngàn năm” chính là dự án đầu tiên Đặng Thanh Huyên tham gia sau khi tốt nghiệp đại học, đặt tiền đề cho đam mê của cô với cổ phục Việt nói riêng và với lịch sử nói chung. Huyên tham gia nhóm “Đại Việt cổ phong” và trở thành một trong những gương mặt cộm cán, người đồng điều hành của cộng đồng hơn 130.000 thành viên này.

Trước đó, Huyên học ngành quản lý đất đai theo mong muốn của bố mẹ bởi họ phản đối cô theo nghề vẽ vì muốn con gái đi làm công việc ổn định. “Mình yêu hội họa từ hồi lớp 7 và kể từ đó đến giờ mình chưa bao giờ ngừng vẽ. Mình luôn vẽ và tiến lên phía trước, bố mẹ có ngăn cản thế nào thì con vẫn phải vẽ,” Huyền chia sẻ vui nhưng không kém phần nghiêm túc.

Vì thế, Huyên đã tự kiếm một công trong nghề vẽ để tự trang trải và có được sự yên tâm của bố mẹ. Đó là cơ duyên đưa Huyên tới vị trí vẽ bối cảnh cho “Hào khí ngàn năm,” cụ thể là các tập phim về Sỹ Nhiếp, Dương Thanh, Dương Đình Nghệ (thời kỳ Bắc thuộc) và loạt vị vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Nhuệ Tông, Trần Anh Tông…

Từ đam mê hội họa đến vẽ hoạt hình 4.000 năm sử Việt của cô gái trẻ ảnh 2Bối cảnh và các nhân vật trong loạt tập phim về thời Trần. (Ảnh: NVCC)

Trong đó, nhiệm vụ của cô là vẽ phong cảnh hoặc nội thất, kiến trúc, hoa văn… thậm chí có cả tàu chiến, áo giáp… Việc này đã yêu cầu Huyên phải tìm hiểu rất cẩn thận về đồ án hoa văn, kiến trúc, các đồ trang trí đặc trưng của thời Lý, Trần như mái ngói cong, mái là đề, vốn rất khác so với các thời Lê, thời Nguyễn sau đó.

Nói về đam mê của mình, Huyên cảm thấy may mắn hơn nhiều người vì biết mình muốn gì và cần làm gì. "Nếu bản thân các bạn không biết mình muốn gì thì tôi không thể khuyên, nhưng tôi nghĩ mình có khả năng với việc gì thì hẵng làm việc đó chứ đừng theo đuổi một thứ hão huyền. Mình làm tốt cái gì thì cố gắng theo đuổi cái đó, quan trọng là kiên nhẫn và chịu khó học hỏi,” Huyên chia sẻ.

Đặt sự thật lịch sử lên đầu

Để có hiểu biết toàn diện cho cuốn “Việt sử diễn họa,” Huyên chọn nói “không” với sáng tạo quá độ mà chọn bám sát lịch sử từng thời kỳ. Đây là cuốn sách diễn sử từ thuở sơ khai lập nước cho đến thời đại phong kiến sụp đổ.

Để có kiến thức, Huyên phải nghiên cứu và tham khảo kỹ các tài liệu chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư,”“An Nam truyện,” “Việt Nam sử lược”... hay các cuốn “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức được giới nghiên cứu đánh giá cao, “Dệt nên triều đại” chuyên về trang phục và tìm đọc cả các bài viết, bài nghiên cứu dịch từ Hán tự của các nhà nghiên cứu trong nhóm“Đại Việt cổ phong”...

Từ đam mê hội họa đến vẽ hoạt hình 4.000 năm sử Việt của cô gái trẻ ảnh 3NTrích một phần nội dung trong ''Việt sử diễn họa.'' (Ảnh: NVCC)

Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, Huyên từng gặp nhiều tài liệu có hình minh họa sai lệch lịch sử. Điều đó khiến cô tự rút kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ càng cho bản thân.

Khi vẽ và nghiên cứu, cô nhận ra người Việt có nhiều điểm khác biệt so với văn hóa Trung Quốc. Ví dụ như cổ áo người phương Bắc thường cao và khít hơn để tránh cái lạnh, nam giới Trung Quốc thời nhà Thanh thường cạo nửa đầu trước và tết tóc phía sau hoặc buộc tóc, còn nam giới ở tầng lớp quý tộc của nước ta bấy giờ thường xõa tóc hoặc cạo tóc...”

Từ đam mê hội họa đến vẽ hoạt hình 4.000 năm sử Việt của cô gái trẻ ảnh 4Trang phục, tạo hình cho thời nhà Trần. (Ảnh: NVCC)

Cuốn “Việt sử diễn họa” là sản phẩm do một mình Đặng Thanh Huyên thực hiện trong hơn một năm, được vẽ bằng màu sắc tươi tắn để tránh cảm giác u ám, đau buồn, để lại dấu ấn nữ tính ở trong đó. Cùng phong cách đó, cô bạn cũng thường xuyên vẽ tranh các nhân vật lịch sử để đăng lên Facebook, vô tư chia sẻ với mọi người.

Thế nhưng cũng qua chuyện đó mà Huyên nhận ra có nhiều bạn trẻ tiếp cận lịch sử với thái độ chưa nghiêm túc: “Có tranh mình vẽ hoàng hậu thời Lê nhưng có bạn lại dùng để minh họa cho bài viết về Lưỡng triều hoàng hậu [hay được biết đến là bà Dương Vân Nga, thời nhà Đinh - PV] trong khi trang phục hai thời đại này khác nhau rất nhiều. Mình đã nhiều lần phải nhắc thay ảnh, tìm chuẩn ảnh mà dùng nhưng có lẽ họ chỉ cần được càng nhiều ‘like’ càng tốt.”

Từ đam mê hội họa đến vẽ hoạt hình 4.000 năm sử Việt của cô gái trẻ ảnh 5
Từ đam mê hội họa đến vẽ hoạt hình 4.000 năm sử Việt của cô gái trẻ ảnh 6Để xây dựng cuốn sách, Huyên cũng sử dụng nhiều tư liệu từ bảo tàng hoặc của Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: NVCC)

Hiện nay, Huyên vẫn hàng ngày có những bài viết ngắn về các câu chuyện lịch sử và hình minh họa trên trang Facebook “Comet Withouse.” Cô bạn cũng quyết định tiếp tục theo đuổi một dự án tạo hình cho trò chơi điện tử về trang sức, trang phục thời Nguyễn để nối dài sự kết hợp giữa đam mê vẽ và đam mê lịch sử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục