Tư duy "ngược" trong cách hiểu về tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Việc thường xuyên áp dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khuôn khổ quan hệ quốc tế đương đại đã thu hút mối quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông.
Tư duy "ngược" trong cách hiểu về tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: arimotravels.com)

Keshav Kelkar, học giả, nhà nghiên cứu chính sách tại Học viện Yenching thuộc Đại học Peking, Trung Quốc, vừa có bài viết đăng tải trên Diễn đàn nghiên cứu Chính sách châu Á & Thái Bình Dương về tầm nhìn và chiến lược đối ngoại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các quốc gia trong khu vực.

Theo tác giả, các nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại từ lâu đã đưa ra các tiên đoán về tương lai trật tự thế giới. Một số cho rằng, thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc và dẫn đến “thế kỷ Thái Bình Dương.” 

Một số khác lại giả định rằng thế giới sẽ đi theo trật tự châu Á-Thái Bình Dương trong khi một số học giả khẳng định tương lai của thế giới sẽ được quyết định bởi liên minh Á-Âu.

Tuy nhiên, những tiên đoán này dường như đều được đưa ra quá vội, trước khi một cái tên khác xuất hiện: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bản thân thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là mới lạ, nhưng việc áp dụng nó trong khuôn khổ quan hệ quốc tế đương đại đã khiến cho thuật ngữ này trở thành một mối quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông.

Các nhà bình luận từ New Delhi cho tới Tokyo, hay từ Canberra cho tới Washington đều tin rằng thuật ngữ này sẽ đi vào đời sống và tồn tại rất lâu.

Tác giả cho rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ khái niệm, chiến lược hay đơn giản là về địa lý, vẫn thiết lập sự đồng thuận chung giữa các quốc gia trong khu vực siêu rộng lớn này.

Mặc dù thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được ghi nhận vào từ điển chính sách đối ngoại của các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia, nhưng nếu xem xét một cách cụ thể, có thể thấy vẫn tồn tại nhiều điểm khác biệt quan trọng trong cách diễn giải của mỗi quốc gia và cách áp dụng nó vào chính sách đối ngoại của các quốc gia đó như thế nào.

Trước hết với Nhật Bản, nước này được cho là đã thổi một luồng sinh khí mới vào khái niệm cũ bằng cách gắn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào một phần của chính sách đối ngoại quốc gia.

Trong tuyên bố mở màn Hội nghị quốc tế Tokyo lần thứ 6 về phát triển kinh tế châu Phi (TICAD-6), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chia sẻ về tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) của Nhật Bản.

[Mỹ cần có bước đi hài hòa trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Ông khẳng định: “Nhật Bản sẽ đảm nhiệm trọng trách thúc đẩy sự gắn kết khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đưa châu Á và châu Phi trở thành một khu vực coi trọng tự do, pháp luật, nền kinh tế thị trường, không bị áp đặt hay cưỡng chế và càng ngày càng trở nên thịnh vượng hơn.” 

Ông Abe không chỉ giới thiệu với các nhà quan sát bên ngoài một giải pháp thay thế cho chính sách Vành đai và Con đường, mà còn cho thấy ý định của Nhật Bản sẽ nắm lấy “trách nhiệm” lớn hơn trong bối cảnh vai trò lãnh đạo của Mỹ đang ngày càng suy yếu.

FOIP không chỉ cho thấy khát vọng của ông Abe mong muốn Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực mà còn vạch ra các nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển của Nhật Bản.

Theo chuyên gia phân tích an ninh quốc tế Corey Wallace, thay vì mở ra chiến lược cân bằng nhằm chống lại Trung Quốc, Nhật Bản “… trong dài hạn, sẽ tập trung vào việc tạo lập một trung tâm kinh tế của khu vực tách xa Trung Quốc, cho phép Nhật Bản và các nước khác trong khu vực tồn tại và phát triển thịnh vượng, vượt khỏi phạm vi kiểm soát của Trung Quốc - và có thể chủ động đấu tranh nếu cần thiết.” 

Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng nhanh chóng nhận được sự chú ý từ Washington và khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa thuật ngữ này vào chiến lược châu Á rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, không giống như Nhật bản, Washington có cách diễn giải về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rất khác biệt.

Thứ nhất, FOIP giúp chính quyền Trump có được tên gọi chính sách đối ngoại mới cần thiết để thay thế chính sách xoay trục của thời Obama.

Thứ hai, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng nghĩa rằng Mỹ đang thiếu một thành phần kinh tế để củng cố chiến lược FOIP, điều khiến nhiều nhà quan sát suy đoán FOIP chỉ đơn thuần là một “uyển ngữ” cho chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ.

Cuối cùng, tầm nhìn của Mỹ, như được ghi trong Chiến lược An ninh Quốc gia, mô tả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một quân bài nước đôi chia sẻ tầm nhìn tự do và áp chế của trật tự thế giới.

Mặc dù một số quốc gia sẽ hoan nghênh quan điểm cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc, nhưng các cường quốc tầm trung và các nước nhỏ hơn trong khu vực lại tỏ ra cảnh giác trước bất kỳ một chiến lược nào nhắc đến tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như cuộc đấu “có tổng bằng 0” giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, người ta có thể liên tưởng tới lập trường của Ấn Độ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù nhiều nhà quan sát đang mong đợi Ấn Độ sẽ tham gia vào nhóm các nước phản đối Trung Quốc tại Shangri La, nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại gây bất ngờ khi tuyên bố: “Ấn Độ không coi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như là chiến lược hay câu lạc bộ của một nhóm các thành viên có giới hạn.” 

Đây là một tín hiệu tinh tế cho thấy New Delhi không đồng ý đưa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào các nội dung chiến lược. Thay vào đó, ông Modi trình bày một tầm nhìn thay thế khác tích cực hơn, nơi mà các cường quốc tầm trung, chứ không phải các siêu cường, sẽ tạo ra một nền tảng chung cho “trật tự dựa trên luật lệ.” 

Kết thúc bài viết, tác giả nhận định rằng mặc dù thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày một phổ biến trong các chính sách đối ngoại, nhưng sự giải thích khác nhau về thuật ngữ này đã cho thấy một bức tranh tổng thể rất rời rạc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục