Tư lệnh NATO cam kết duy trì sự hiện diện quân sự tại Kosovo

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu sẽ duy trì lực lượng quân đội ở Kosovo - vùng lãnh thổ đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Serbia, "chừng nào điều này vẫn cần thiết."
Tư lệnh NATO cam kết duy trì sự hiện diện quân sự tại Kosovo ảnh 1Tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Curtis Scaparrotti. (Nguồn: AP)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu sẽ duy trì lực lượng quân đội ở Kosovo - vùng lãnh thổ đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Serbia, "chừng nào điều này vẫn cần thiết."

Đây là cam kết mà Tư lệnh tối cao các lực lượng của NATO tại châu Âu, Tướng Curtis Scaparrotti đã đưa ra trong cuộc gặp với giới chức cấp cao Kosovo và Đại sứ các nước phương Tây tại vùng lãnh thổ này trong ngày 21/2.

Phát biểu trong chuyến thăm tới Kosovo, Tướng Scaparrotti cam kết với Kosovo rằng liên minh quân sự này sẽ duy trì sự hiện diện linh hoạt tại Kosovo và sẽ thay đổi chỉ khi nào tình hình an ninh tại đây cho phép.

Theo đó, Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế KFOR của NATO tại Kosovo sẽ duy trì "một lực lượng đủ mạnh và đáng tin cậy, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ khi cần thiết tại vùng lãnh thổ này."

Hiện có khoảng 4.500 binh sỹ từ 31 nước được triển khai tại Kosovo kể từ hồi tháng 6/1999, sau chiến dịch không kích kéo dài 78 ngày của NATO nhằm can thiệp vào cuộc chiến của quân đội Chính phủ  Serbia chống lại những người ly khai sắc tộc Albania.

Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Serbia từ năm 2008 và hiện được hơn 100 quốc gia trên thế giới công nhận độc lập, nhưng Kosovo vẫn chưa phải là thành viên của Liên hợp quốc.

Về phần mình, Serbia kiên quyết không công nhận Kosovo là nhà nước độc lập và phản đối vùng lãnh thổ này trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế, nguyên nhân chính gây nên những bất đồng khó giải quyết giữa hai bên.

Hồi đầu tháng này, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã tới Kosovo nhằm kêu gọi vùng lãnh thổ này và Serbia sớm bình thường hóa quan hệ.

Nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo được coi là yếu tố cần thiết nếu cả hai bên muốn theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục