Khách yêu cầu đồ ăn, nhà hàng sử dụng iPad để “gọi món” và sau đó, một băng chuyền “vận chuyển” phở được đưa ra đúng nơi thực khách ngồi.
Câu chuyện này đang được chia sẻ trên mạng xã hội, và quán phở ấy không phải ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà lại ở khu vực thuộc miền núi phía Bắc: Yên Bái.
[Làm gì để “đi tắt đón đầu” cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?]
Theo đó, một Facebooker tên là N.T.L cho hay, trong một chuyến đi thăm bà con bị lũ quét ở Mù Cang Chải. Về tới thành phố Yên Bái, anh dừng chân ở hàng ăn có tên gọi là “Phở TecRes.” Khi gọi đồ ăn, anh thấy cô chủ cầm iPad ra để phục vụ. Một lát sau, hai bát phở cùng rau, đĩa chanh ớt chạy trên băng chuyền ra đúng bàn của anh và dừng lại… Khách chỉ việc tự động bê phở để vào bàn ăn.
Khi khách gọi món trên iPad, yêu cầu sẽ được chuyển vào thiết bị di động nằm trong bếp và nhà bếp chỉ việc thực thi “lệnh” mà không phải “í ới” gọi nhau như “dưới xuôi.” Ngoài ra, việc này cũng tránh tình trạng người đến sau được ăn trước.
Chia sẻ này của anh N.T.L lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nhiều người cho biết khi có dịp lên Yên Bái sẽ ghé quán phở nói trên để thưởng thức. Và với họ, phở ngon hay không là câu chuyện “hậu xét” mà cái chính là tò mò về công nghệ mà nhà hàng này áp dụng.
Thực tế, việc gọi món bằng phần mềm không phải là mới với một số nhà hàng ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, dùng hệ thống băng chuyền để vận chuyển tới đúng vị trí của khách hàng rồi dừng lại thì khá độc đáo.
Lấy ví dụ như một quán cơm trưa tại phố Hàn Thuyên (Hà Nội). Khi thực khách gọi món, nhân viên ở đây cũng nhập dữ liệu vào máy tính bảng để truyền thông tin xuống nhà bếp. Thức ăn sau đó sẽ được vận chuyển từ bếp tới các tầng qua “thang máy” dành riêng chứ không phải bằng sức người. Tuy nhiên, việc bê từ thang ra bàn cho khách vẫn tốn nhân lực.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các diễn đàn…, người ta nói tới nhiều tới cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” với trọng tâm là công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi các phương thức hoạt động, sản xuất… cũng như cuộc sống của con người.
Thế nhưng, có một thực tế là dù công nghệ có phát triển đi tới đâu chăng nữa, nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp… có áp dụng công nghệ mới thế nào đi chăng nữa nhưng người sử dụng không thành thạo, hoặc không biết áp dụng để phục vụ đời sống, sản xuất thì công nghệ cũng nhanh chóng lạc hậu và trở thành vô nghĩa.
Đơn cử như hiện nay các địa phương đang đẩy mạnh phục vụ người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến... Nhưng, kể cả ngay giữa Thủ đô, khi mà một bộ phận người dân còn mù mờ với máy vi tính, thiết bị di động và phương thức để tự đơn giản hóa mà vẫn ra Ủy ban Nhân dân phường nhờ giúp sức thì có lẽ sẽ còn rất lâu nữa các dịch vụ công trực tuyến ấy mới thực sự đem lại hiệu quả như kỳ vọng.
[Sửa luật công nghệ để bước vào cách mạng công nghiệp]
Hay với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ ở các làng nghề, hộ kinh doanh…, nhiều người vẫn chưa thực sự tận dụng tốt các thế mạnh mà hạ tầng công nghệ thông tin đem lại. Chiếc máy tính, đôi lúc, vẫn chỉ là thiết bị nhập, lưu trữ liệu và gửi email…
Trở lại với câu chuyện được gọi là “Phở 4.0” vừa kể, nếu đem so sánh mô hình bán phở ở quán TecRes và một số cửa hàng phở nổi tiếng ở Hà Nội với thực khách nườm nượp ra vào sẽ thấy nhiều điều đáng nói. Và, nếu áp dụng công nghệ thông tin kết hợp với dây chuyền tự động hóa vận chuyển như TecRes, các cửa hàng ở Hà Nội sẽ giảm bớt rất nhiều chi phí để trả cho nhân lực cũng như tránh được một số phiền hà không đáng có cho “Thượng đế.”
Nói như vậy để thấy rằng, cơ hội trong cuộc cách mạng công nghệ số luôn trước mắt mọi người - từ dân thường cho đến doanh nghiệp, cơ quan công quyền. Chỉ có điều, cái “4.0” ấy sẽ chỉ thực sự đem lại tác dụng cho những ai chịu tìm tòi, mầy mò và áp dụng vào thực tế…/.