Ngày 4/12, Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Hà Nội ra thông cáo nhân Ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine (29/11) và kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Palestine (19/11/1988-19/11/2013), Đại sứ quán Palestine sẽ tổ chức các buổi chiếu phim Palestine tại Câu lạc bộ Điện ảnh Hà Nội (Hanoi Cinematheque) từ ngày 4- 9/12.
Đây sẽ là một sự kiện không thể bỏ qua đối với những người yêu thích điện ảnh và phim tài liệu, đặc biệt là những ai quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về đất nước và con người Palestine.
Bên cạnh các phim điện ảnh được trình chiếu, còn hai bộ phim tài liệu '5 chiếc máy quay phim bị vỡ' (Five broken cameras) và 'Palestine sau những bức tường chiếm đóng.'
Đây sẽ là những thước phim phản ánh một cách chân thực và đầy cảm động về cuộc sống, số phận cũng như những tâm tư, tình cảm của người dân Palestine trên những mảnh đất bị chiếm đóng.
Đặc biệt, đạo diễn của bộ phim '5 chiếc máy quay phim bị vỡ,' nhà làm phim nổi tiếng của Palestine Emad Burnat, sẽ có mặt tại các buổi chiếu phim để giao lưu cùng khán giả Hà Nội.
Về bộ phim '5 chiếc máy quay phim bị vỡ,' đạo diễn lừng danh Micheal Moore đã viết: “Không chỉ là một trong những phim tài liệu hay nhất, đây còn là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của năm, một trong những tác phẩm điện ảnh tuyệt vời và đáng kinh ngạc nhất mà tôi được xem trong nhiều năm qua.”
Bộ phim này đã giành giải thưởng tại Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế Amsterdam 2011 và Liên hoan phim Sundance 2012.
Phim cũng được đề cử giải Oscar cho Phim Tài liệu xuất sắc nhất năm 2012 và vừa giành giải Phim Tài liệu xuất sắc nhất tại Giải Emmy Quốc tế lần thứ 41 tại New York cuối tháng 11 vừa qua./.
'5 chiếc máy quay phim bị vỡ' là một tác phẩm điện ảnh mang tính chính trị vô cùng xuất sắc.
Bộ phim phản ánh một cách chân thực cuộc đấu tranh phi bạo động của người dân làng Bil’in, một ngôi làng ở Bờ Tây bị xâm lấn bởi các khu định cư của Israel.
Suốt 5 năm, trải qua các cuộc đấu tranh đầy gian khổ, có cả máu và nước mắt, có cả bắt bớ và đàn áp, năm chiếc máy quay của Emad lần lượt bị đập vỡ hoặc bắn hỏng. Tuy nhiên, chúng vẫn kịp ghi lại những khoảnh khắc đầy kịch tính.
Emad quan sát tất cả từ sau ống kính máy quay khi những cây oliu bị đốn ngã, khi các cuộc biểu tình gia tăng và khi những mạng sống bị đánh cắp. Ông nói: “Tôi cảm thấy như chiếc máy quay đang bảo vệ mình, nhưng đó chỉ là ảo tưởng.”