Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân sang, hội làng “Anh cả Quậy” lại tưng bừng diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch) tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Những ngày diễn ra lễ hội, người dân trong làng và du khách thập phương có dịp vui chơi, trẩy hội với những nét văn hóa độc đáo như: Đấu vật, bịt mắt bắt vịt, cờ người, kéo co, hát tuồng, hát quan họ, múa rối nước… Vinh danh “Anh cả” Theo cụ Phạm Văn Vác, một bậc cao niên tại thôn Châu Phong, xã Liên Hà truyền lại rằng, vào năm 557 trước Công nguyên, khi vua An Dương Vương dời đô từ Bạch Hạc (Việt Trì) đã chọn vùng đất Cổ Loa để xây dựng kinh thành. Người dân Cổ Loa xưa theo chiếu chỉ vua ban phải di cư sang vùng đất mới. Dân làng dâng tấu tâu lên vua xin ban cho mảnh đất sinh nhai. Liền đó nhà vua chợt đánh rơi một hòn đá cuội, đá vô tình lăn về phía đông bắc Cổ Loa. Thấy vậy, vua cho là “điềm trời,” bèn ban vùng đất này cho ái dân của mình. Từ đó cái tên làng Cuội ra đời, lâu dần cái tên Cuội được đọc chệch thành Quậy cho dễ gọi. Đến nay, người dân nơi đây vẫn thường quan niệm, dân làng Quậy là “Anh cả” hi sinh mảnh đất mẹ đẻ để cho vua xây thành. Vì thế dù xung quanh nguồn gốc ra đời của làng Quậy còn có nhiều sử tích khác truyền lại, nhưng mỗi người dân làng đều rất tự hào khi nhắc đến “Anh cả Quậy.” Hằng năm, cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng lễ hội Cổ Loa, làng Quậy đều tiến cử một đoàn gồm 12 bô lão ra làm lễ vua. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, dân làng Cổ Loa phải đợi các cụ làng Quậy đến mới được bắt đầu lễ. Các cụ làng Quậy luôn được tiếp đón ân cần như tình anh em ruột thịt và ngồi chiếu trên vì đã có công nhường đất cho vua xây thành. Sau đó, Hội làng Quậy mới chính thức diễn ra từ ngày 12-15 tháng Giêng. Lễ hội này thờ ba vị thần: Thủy Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng là những trai làng theo Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược và hai vị thánh Tam Giang, Đông Hải là những bậc tiền nhân có công với nước. “Ba thôn làng Quậy có chung một ngôi đình là nơi thờ chính của ngũ vị đại vương, một đôi nghè thờ vọng. Mọi việc được chuẩn bị từ rất sớm, trước ngày hội chính thức hàng tuần và luyện tập kỹ càng,” Ông Phạm Hồng Dẫn, phó Ban tổ chức lễ hội, cho biết. Hòa cùng tiếng nhạc, tiếng trống ngày hội, người dân ba thôn nô nức tham gia ngày hội tạo không khí náo nhiệt, tưng bừng. Lệ làng “bắt tuổi” Trong bốn ngày tổ chức, hội đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia, bao gồm người dân của ba thôn “anh cả” là thôn Đại Vĩ, Giao Tác, Châu Phong và những thôn anh em láng giềng, cùng với bát xã Loa Thành. Ông Phạm Cao Thắng, phụ trách tổ chức lễ hội vui vẻ trò chuyện, “ngày hội toàn dân tham gia và tự nguyện đóng góp công đức, tuy nhiên không phải độ tuổi nào cũng được dự phần tế lễ.” Về phần lễ: “Lệ làng quy định, những bậc lão làng từ 60 tuổi trở lên được tham gia phần đón tiếp và tế lễ; những người tuổi 50 phụ trách bồi tế và rước lễ; tuổi 49 phải phục vụ tiếp nước mời trầu các cụ; tuổi 46 chuẩn bị vật phẩm và bố trí mức giải thưởng cho các trò chơi trong lễ hội…”
Chỉ các cụ cao niên trong làng mới được dự lễ tế (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tục lệ “bắt tuổi” không chỉ là quy định hình thức mà còn mang nhiều mục đích, thể hiện sự vinh dự được nắm chức trách, mang nét văn hóa truyền thống và mong muốn thế hệ sau tìm hiểu về những tập quán của cha ông để lại, cụ Phạm Văn Vác chậm rãi nói. Về phần hội, cụ Vác kể rằng, tương truyền ngày xưa các cụ còn tổ chức hội suốt 18 ngày đêm, liên tục từ 12-30 tháng Giêng nay rút ngắn lại chỉ diễn ra trong bốn ngày nhằm phục vụ sản xuất dân sinh. Vì thế, nên người người háo hức, nhà nhà nô nức đua nhau đi trẩy hội. Một số hình ảnh ghi nhận tại lễ hội làng Quậy, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội:
Hát quan họ, một trong những hoạt động đặc sắc của lễ hội (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đấu vật là môn thi đấu truyền thống tại đất Cổ Loa (Ảnh: PV/Vietnam+)
Kéo co thu hút đông đảo người xem, tạo không khí nô nức cho ngày hội (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tâm Trang (Vietnam+)