Từng tồn tại đại dương ngầm trên Mặt Trăng của sao Mộc

NASA khẳng định Ganymede - Mặt Trăng lớn nhất của sao Mộc - có một đại dương ngầm với lượng nước nhiều hơn cả trên Trái Đất, mở thêm hy vọng tìm kiếm những nơi phù hợp cho sự sống.
Từng tồn tại đại dương ngầm trên Mặt Trăng của sao Mộc ảnh 1Bề mặt Ganymede, Mặt Trăng lớn nhất trong hệ Mặt Trời. (Nguồn: NASA/AP)

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 12/3 khẳng định Ganymede - Mặt Trăng lớn nhất của sao Mộc - có một đại dương ngầm với lượng nước nhiều hơn cả trên Trái Đất, mở thêm hy vọng tìm kiếm những nơi trong hệ Mặt Trời phù hợp cho sự sống tồn tại.

Bằng cách sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble để quan sát cực quang trên Mặt Trăng này, các nhà khoa học đã khẳng định nghi ngờ trước đó rằng có lượng lớn nước muối nằm sâu dưới bề mặt Ganymede, Mặt Trăng lớn nhất trong hệ Mặt Trời.

Trước đó, khi bay gần sao Mộc vào năm 1995, tàu vũ trụ Galileo của NASA đã phát hiện một lớp trường điện từ trên Mặt Trăng Ganymede.

Những phát hiện mới nhất bằng quan sát từ kính viễn vọng Hubble là bằng chứng rõ ràng nhất tới nay về sự tồn tại của một đại dương trên Ganymede.

Theo miêu tả của NASA, cực quang là những dải màu sắc được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt Trời với từ trường của các hành tinh, có thể quan sát được ở vùng cực Bắc và cực Nam của Mặt Trăng này.

Do cực quang bị ảnh hưởng bởi trường điện từ của Mặt Trăng hay hành tinh, việc quan sát các thay đổi của cực quang có thể giúp hiểu rõ hơn về những thứ nằm sâu dưới bề mặt.

Cũng giống như Trái Đất, Ganymede có lớp lõi kim loại nóng chảy giúp sản sinh ra một trường điện từ.

Các nhà khoa học phát hiện thấy trường điện từ của sao Mộc tương tác với trường điện từ của Ganymede tạo ra hiện tượng hai dải cực quang "nhảy múa" ở hai cực của Mặt Trăng này.

Các nhà khoa học đã đo đạc mức độ chuyển động của cực quang trên Ganymede và phát hiện nó có xu hướng giảm dần. Sử dụng các mô hình trên máy tính, các nhà khoa học nhận thấy một đại dương có khả năng dẫn điện nằm dưới bề mặt Mặt Trăng này đang kháng lại lực kéo từ trường của sao Mộc.

Theo ước tính, đại dương này có độ sâu 100km, sâu gấp 10 lần đại dương trên Trái Đất, và nằm dưới lớp băng dày khoảng 150km. Nhiệt độ của đại dương này được cho là đủ ấm để tồn tại dưới dạng lỏng.

Nhà thiên văn học Heidi Hammel, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu về thiên văn học, đánh giá phát hiện này là một bước tiến nữa tới gần việc tìm thấy một môi trường phù hợp cho sự sống, có nhiều nước trong hệ Mặt Trời.

Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện các đại dương nằm dưới bề mặt Mặt Trăng Europa của sao Mộc và Mặt Trăng Enceladus của sao Thổ. Các nhà khoa học cũng tin rằng có nước ngầm trên Mặt Trăng Callisto của sao Mộc.

Trong một sứ mệnh liên quan, ngày 12/3, NASA đã phóng 4 tàu vũ trụ giống hệt nhau để tìm hiểu về sự tương tác giữa trường điện tử của Trái Đất và Mặt Trời.

Bốn con tàu vũ trụ này sẽ bay quanh quỹ đạo Trái Đất theo kiểu hình chóp để cung cấp hình ảnh 3D về sự tương tác qua lại của từ trường Trái Đất và Mặt Trời.

Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) có kế hoạch phóng tàu vũ trụ để thăm dò các Mặt Trăng của sao Mộc vào năm 2022 và dự kiến tới gần sao Mộc vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục