Những sự kiện thiên văn kỳ thú, đáng chú ý trong năm Ất Mùi

Năm 2015 được chọn là Năm ánh sáng quốc tế để kỷ niệm rất nhiều sự kiện khoa học liên quan tới ánh sáng - một đối tượng cơ bản của vật lý và thiên văn học.
Những sự kiện thiên văn kỳ thú, đáng chú ý trong năm Ất Mùi ảnh 1Nguyệt thực toàn phần. (Nguồn: .inquisitr.com)

Năm Giáp Ngọ trôi đi với nhiều sự kiện thiên văn đáng chú ý như mưa sao băng, mặt trăng máu… Tại Việt Nam, vì điều kiện thời tiết nên không phải bất kỳ sự kiện nào người yêu thiên văn cũng có thể xem được.

Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), năm Ất Mùi sẽ có nhiều sự kiện thiên văn đáng chú ý khi được chọn là Năm ánh sáng quốc tế để kỷ niệm rất nhiều sự kiện khoa học liên quan tới ánh sáng - một đối tượng cơ bản của vật lý và thiên văn học.

Dưới đây là danh sách và lịch trình xảy ra các hiện tượng có thể quan sát tại Việt Nam do vị chuyên gia này chia sẻ với độc giả VietnamPlus:

1. Ngày 22/2 (Mồng 4 Tết Nguyên đán): Sao Kim và Sao Hỏa giao hội (hai thiên thể ở rất gần nhau trên bầu trời-pv]. Người yêu thiên văn có thể quan sát hiện tượng này khi hai hành tinh sáng nằm gần nhau trên bầu trời phía Tây, sau lúc Mặt Trời lặn.

2. Ngày 4/4: Nguyệt thực toàn phần. Hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất do Mặt Trời gây nên. Việt Nam có thể quan sát toàn bộ pha toàn phần của hiện tượng này.

Những sự kiện thiên văn kỳ thú, đáng chú ý trong năm Ất Mùi ảnh 2Mưa sao băng. (Nguồn: amsmeteors.org)

3. Ngày 22-23/4: Mưa sao băng Lyrids. Đây là trận mưa sao băng cỡ nhỏ chỉ với khoảng 20 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Tuy nhiên, do rơi vào đêm đầu tháng (ngày 3-4 Âm lịch) nên người yêu thiên văn có thể quan sát rõ hiện tượng.

4. Ngày 5-6/5: Mưa sao băng Eta Aquarids. Trận mưa sao băng cỡ trung bình với mật độ lúc cực điểm khoảng hơn 30 sao băng mỗi giờ. Song, trận mưa sao băng này rơi vào thời điểm gần Trăng tròn (ngày 17-18 Âm lịch) nên sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới việc quan sát.

5. Ngày 25/5: Sao Thổ ở vị trí trực đối. Vào thời điểm này, Sao Thổ sẽ nằm ở vị trí thuận tiện nhất để quan sát do nó nằm phía bên kia so với Mặt Trời, đối với người quan sát từ Trái Đất. Người yêu thiên văn có thể quan sát Sao Thổ cùng vành sáng rất đẹp bằng một chiếc kính thiên văn nghiệp dư.

6. Ngày 28-29/7: Mưa sao băng Delta Aquarids. Đây là trận mưa sao băng nhỏ với mật độ lúc cực điểm khoảng 20 sao băng mỗi giờ. Do cực điểm nằm rất gần thời điểm Trăng tròn (ngày 13-14 Âm lịch) nên về cơ bản nó chỉ có thể được quan sát với mật độ nhỏ ở những nơi có điều kiện khí quyển và thời tiết lý tưởng.

7. Ngày 12-13/8: Mưa sao băng Perseus. Đây là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm, được gây ra bởi những mảnh vụn còn sót lại của sao chổi Swift-Tuttle trên quỹ đạo Trái Đất. Nó có thể đạt trên 60 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Năm 2015, nếu không có biến cố về thời tiết mưa sao băng này sẽ rất thuận lợi để quan sát vì nó có cực điểm vào lúc không có ánh sáng của Mặt Trăng (ngày 28-29 Âm lịch).

8. Ngày 21-22/10: Mưa sao băng Orionids. Đây là trận mưa sao băng loại trên trung bình với cực điểm có thể đạt 20 đến 30 sao băng mỗi giờ. Rạng sáng, khi Mặt Trăng lặn sẽ là thời điểm tốt nhất để quan sát hiện tượng này.

Những sự kiện thiên văn kỳ thú, đáng chú ý trong năm Ất Mùi ảnh 3Chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn trao đổi với các bạn trẻ về thiên văn. (Nguồn: Vietnam+)

9. Ngày 26/10: Sao Kim và Sao Mộc giao hội. Hai hành tinh sáng nhất trên bầu trời sẽ nằm ở gần sát nhau. Người quan sát cần hướng mắt về bầu trời phía Đông khi trời còn tối, trước lúc Mặt Trời mọc lên để thấy rõ hiện tượng này.

10. Ngày 28/10: Sao Kim, Sao Mộc và Sao Hỏa giao hội. Hai ngày sau hiện tượng giao hội ngày 26, Sao Hỏa sẽ tham gia vào cuộc gặp gỡ của các hành tinh này. Để quan sát hiện tượng kỳ thú này, người xem cần nhìn về bầu trời phía Đông trước lúc Mặt Trời mọc. Việc quan sát sẽ dễ dàng hơn nếu có một chiếc kính thiên văn nhỏ.

11. Ngày 17-18/11: Mưa sao băng Leonids đạt cực điểm. Mưa sao băng Leonids năm 2015 sẽ là trận mưa sao băng trung bình, không còn lớn như trước đây với khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm (mọi năm mật độ trung bình là 40 sao băng/giờ). Thời điểm quan sát tốt nhất sự kiện này là rạng sáng ngày 18/11 (ngày 7/10 Âm lịch).

12. Ngày 7/12: Mặt Trăng và Sao Kim giao hội. Người quan sát cần nhìn về bầu trời phía Đông trước lúc Mặt Trời mọc để quan sát hai thiên thể sáng nhất bầu trời ban đêm khi chúng nằm rất gần nhau.

13. Ngày 13-14/12: Mưa sao băng Geminids. Đây là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm, với cực điểm có thể lên tới hơn 100 sao băng mỗi giờ. Nó có vùng trung tâm là chòm sao Gemini (Song Tử).

Thời điểm trận mưa sao băng này diễn ra vào những ngày không có ánh Trăng (ngày 3-4 Âm lịch), do đó nếu không có biến cố thời tiết thì đây sẽ là trận mưa sao băng rất đáng để quan sát.

Ngoài các hiện tượng thiên văn nói trên, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn cũng cho biết còn nhiều trận mưa sao băng nhỏ và một số thời điểm quan sát các hành tinh xa. Tuy nhiên, các hiện tương trên không có nhiều ý nghĩa và gần như những người quan sát nghiệp dư không thể xem được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục