Tuổi thọ hầm Thủ Thiêm phụ thuộc việc duy tu

Ở hầm Thủ Thiêm, các đốt hầm dìm nằm dưới sông, vừa phải chịu áp lực cũng như xói mòn của nước nên việc bảo dưỡng rất cần thiết.
Là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam, hầm Thủ Thiêm thuộc dự án Đại lộ Đông-Tây (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa lai dắt và dìm thành công đốt hầm đầu tiên.

Xung quanh sự kiện này, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về nỗ lực khắc phục “sự cố” để cán đích an toàn đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á này.

- Sau thành công đầu tiên, ông có thể nói gì về nỗ lực trong việc khắc phục các vết nứt tại 4 đốt hầm dìm?

Cục trưởng Lê Quang Hùng: Để có được kết quả này, các đơn vị liên quan đều phải rất nỗ lực trong việc khắc phục sự cố. Các phương án kỹ thuật đều được tính toán kỹ lưỡng.

Chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá lại về những vết nứt, đánh giá khảo sát, đề xuất phương án khắc phục tính toán kiểm toán… nhằm tìm ra nguyên nhân.

Quan trọng nhất, đơn vị tư vấn cùng các bên liên quan đều khẳng định hoàn toàn có thể sửa chữa và khắc phục tình trạng này. Việc sửa chữa được tiến hành theo phương án bơm keo hàn các vết nứt, bản nóc được gia cường và chống thấm toàn bộ mặt ngoài.

Từng công đoạn đều có các cuộc kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Kết quả thử nghiệm bơm nước vào các âu (đốt dìm) cho thấy thấm rất ít, không đáng kể và đã được giải quyết triệt để; các chỗ đã sửa không có biến dạng trở lại.

Có thể khẳng định, việc khắc phục, sửa chữa sự cố đã tiến hành theo đúng phương án đề ra với kết quả quan trắc cho thấy các dấu hiệu an toàn.

Sau khoảng 8 tháng sửa chữa, khắc phục, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã chấp thuận phương án lai dắt, đánh chìm đốt hầm đầu tiên. Điều này khẳng định sự cố đã được khắc phục hoàn toàn và ghi nhận tiếp theo chính là việc hạ thủy cũng rất thành công.

Hầm Thủ Thiêm có 4 đốt hầm, mỗi đốt hầm dìm có kết cấu bêtông cốt thép nhiều ngăn rỗng, mỗi đốt được bít tạm thời để chống thấm nước và chở nổi, lớp chống thấm, chốt định vị… Đây cũng chính là hạng mục quan trọng nhất của dự án và dự kiến sau thành công này, mỗi tháng tiếp theo sẽ hoàn tất thêm một đốt hầm còn lại.

- Đến thời điểm này, mặc dù việc khắc phục sự cố các đốt hầm được xem là khá thành công nhưng việc phải “gia cố” lại có ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình?


Cục trưởng Lê Quang Hùng: Hạng mục hầm ngầm và đường dẫn hầm Thủ Thiêm trị giá hơn 2.200 tỷ đồng, do nhà thầu Obayashi Corporation thi công, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI), Nhật Bản.

Ngày 13/9/2007, đơn vị thi công đã đổ mẻ bêtông đầu tiên đúc đốt hầm. Đến tháng 6/2008, cả 4 đốt hầm đã được đúc xong tại bãi đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai. Tuổi thọ của công trình được đơn vị thiết kế dự kiến là 100 năm.

Tuy nhiên sự cố nứt tại các đốt hầm đã được phát hiện và khắc phục sau khi xác định kết cấu bêtông vẫn bảo đảm chất lượng. Đầu tháng 1/2010, Ban quản lý dự án, nhà thầu Obayasi đã tiến hành bơm nước vào 4 đốt hầm Thủ Thiêm để Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kiểm tra khả năng chống thấm, cân chỉnh các đốt hầm.

Hiện nay, với bất kỳ một công trình nào, tuổi thọ còn phụ thuộc cả vào quá trình khai thác, vận hành. Bởi trong thời gian hoạt động, đơn vị khai thác cần phải tiến hành duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa. Đây cũng là khâu quan trọng giúp công trình đạt được tuổi thọ thiết kế.

Ở công trình này cũng vậy, các đốt hầm dìm nằm dưới sông, vừa phải chịu áp lực cũng như xói mòn của nước đồng thời phải được chống thấm đặc biệt… nên việc bảo trì, bảo dưỡng càng cần thiết và cần tiến hành theo định kỳ.

Do các đốt hầm dìm đã từng bị nứt và phải xử lý kỹ thuật nên biện pháp đặt ra sau khi lắp đặt thành công và đưa công trình vào vận hành là tăng cường kiểm soát quan trắc.

Đơn vị tư vấn độc lập của Australia được mời để đánh giá khắc phục sự cố này cũng đưa ra dẫn chứng về hiện tượng nứt của hầm dìm tại thành phố Sydney (Australia) và đã được khắc phục thành công, hiện nay vẫn vận hành rất tốt.

- Vậy vai trò của cơ quan giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trong việc khắc phục “sự cố” ở công trình này?

Cục trưởng Lê Quang Hùng:
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là cơ quan thường trực của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng giúp Chính phủ kiểm soát chất lượng các công trình trọng điểm trong đó có hầm Thủ Thiêm - dự án đại lộ Đông-Tây, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vai trò của Cục Giám định và Hội đồng Nghiệm thu nhà nước được thể hiện rất rõ qua việc kiểm soát sửa chữa những sự cố tại công trình này. Không chỉ kiểm soát chất lượng công trình, các cơ quan này còn đưa ra các yêu cầu, tiêu trí về kỹ thuật buộc nhà thầu phải đáp ứng trước khi công trình được nghiệm thu.

Với công trình này, yêu cầu đầu tiên là tăng cường kiểm soát quan trắc và theo dõi bảo trì bảo dưỡng. Hiện nay, thời hạn bảo hành công trình bắt đầu tính từ thời điểm được nghiệm thu.

Tuy nhiên, tại một số công trình khác như hầm Kim Liên (Hà Nội) sau khi phát hiện “sự cố” đã được tăng thời gian bảo hành thêm 1 năm. Tại công trình hầm Thủ Thiêm, thời gian theo dõi bảo hành cũng sẽ được tính đến.

- Xin cảm ơn Cục trưởng!/.


Nguyễn Thu Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục