Theo Liên hợp buổi sáng, lịch sử cho thấy có lúc sự biến đổi diễn ra chậm chạm, nhưng cũng đôi khi lại chuyển động rất nhanh. Có thể nói Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào giữa tháng 11/2020 đã mang lại hai tiến triển mang tính đột phá lớn.
Ngày 15/11/2020, sau 8 năm đàm phán, 15 nước bao gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã chính thức ký kết RCEP. Ngày 20/11, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ tích cực xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đây là động thái rõ ràng của nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với CPTPP và động thái này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hơn 10 năm qua, dù là ở Trung Quốc hay trên thế giới cũng luôn có các ý kiến tranh cãi xoay quanh RCEP và Hiệp định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)- tiền thân của CPTPP.
Theo đó, một số chuyên gia phân tích cho rằng RCEP là công cụ lãnh đạo trật tự kinh tế châu Á của Trung Quốc, trong khi các chuyên gia Trung Quốc nhận định TPP là đòn bẩy để Mỹ và Nhật Bản kiềm chế sự trỗi dậy của nước này.
Ở mức độ rất lớn, sự đột phá lớn trong tháng 11/2020 có thể được coi là một đòn phản kích đầy sức mạnh đối với những nhận thức đối lập nói trên. Tuy nhiên, xuất phát từ việc những tranh cãi xoay quanh hai hiệp định này sẽ không chấm dứt trong trong thời gian tới, bài viết của tác giả Trương Vân - Phó Giáo sư, Đại học Niigata, Nhật Bản cho rằng cần có tầm nhìn sâu rộng về mối quan hệ của hai hiệp định từ tầm nhìn tương lai của trật tự kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
RCEP: Công cụ để Trung Quốc hội nhập hơn nữa vào kinh tế châu Á
Trước tiên, RCEP dựa trên nền tảng tôn trọng tính đa dạng về trình độ phát triển của khu vực, dựa vào cách tiếp cận thực dụng để thúc đẩy thỏa thuận hội nhập kinh tế châu Á.
Giống như mô hình tăng trưởng truyền thống của kinh tế Trung Quốc ở mức độ rất lớn, sự phát triển của các nền kinh tế châu Á cũng đang tồn tại tình trạng dựa vào tài nguyên và thị trường ở bên ngoài, hơn nữa mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế châu Á không cao.
[Chuyên gia: RCEP mang lại động lực mới cho hợp tác ASEAN-Trung Quốc]
Chính mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc cao vào bên ngoài đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương rất lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998 và khủng hoảng tài chính Phố Wall 2008-2009.
Thành quả lớn nhất mà 15 nước đạt được trong ký kết hiệp định là tiêu chuẩn hóa quy tắc nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa trao đổi trong khu thương mại tự do. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt hơn trong khu vực.
Theo đó, phân công hợp tác giữa các chuỗi sản xuất trong khu vực này sẽ chặt chẽ hơn, đồng nghĩa với việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ràng buộc chặt hơn vào trật tự kinh tế khu vực. Điều này sẽ mang lại cảm giác yên tâm cho các nền kinh tế khác.
Thứ hai, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, từ trước đến nay cho dù là đàm phán thỏa thuận thương mại tự do song phương hay đa phương cũng đều không đạt được tiến triển xuất phát từ nhiều lực cản khác nhau.
Do vậy, ký kết RCEP lần này đồng nghĩa với việc 3 nước đã gián tiếp thực hiện một phần thỏa thuận thương mại tự do. Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, trong khi Hàn Quốc đứng thứ 10, đồng thời ba nước cũng đều là thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nên sự tương hỗ giữa 3 nền kinh tế là rất mạnh, với mức độ phụ thuộc lẫn nhau cao, triển vọng hội nhập kinh tế rất rộng mở.
Đối với Trung Quốc, mặc dù quyết định ký kết RCEP lần này sẽ gây ra tác động đối với một số ngành, song họ vẫn kiên quyết tham gia. Điều này hoàn toàn đối lập với thái độ của Ấn Độ, cho thấy Bắc Kinh muốn thông qua sự hội nhập lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để thực hiện mục đích nuôi dưỡng sức bền của quan hệ ba bên.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức và Pháp đã thông qua các thỏa thuận kinh tế khu vực như liên minh than đá-sắt thép, Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC)…
Đây đều là những yếu tố giúp mang đến sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng lâu dài của châu lục. Có thể thấy rằng chỉ có đi theo con đường hội nhập kinh tế và lợi ích ngày càng sâu rộng mới có thể nuôi dưỡng bản sắc khu vực.
Thứ ba, RCEP là một hiệp định kinh tế khu vực cởi mở, không phải là một tập đoàn lợi ích kinh tế mang tính bài xích. Trong văn kiện RCEP lần này đặc biệt ghi chú rõ hoan nghênh sự tham gia của Ấn Độ vào bất cứ lúc nào. Xét về mặt truyền thống, sau khi một thỏa thuận kinh tế quốc tế được ký kết, thường kèm theo quy định thời gian hạn chế kết nạp thành viên mới trong một vài năm.
Do đó có thể nói đây là điều khoản "chiếu cố" đặc biệt đối với Ấn Độ, đồng thời cũng chứng minh châu Á có truyền thống chủ nghĩa khu vực cởi mở đầy bản sắc.
Vì vậy, đối với Trung Quốc, RCEP giống như một “chiếc lồng vàng,” Trung Quốc chủ động sẵn sàng nhốt mình vào trong chiếc lồng vàng trật tự kinh tế khu vực, làm cho khu vực an tâm, từ đó thực hiện sự phát triển chung.
CPTPP có yêu cầu khắt khe ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Nhìn về quá khứ, trước hết, TPP - tiền thân của CPTPP - là do một số nền kinh tế có quy mô tương đối nhỏ như Singapore, Brunei… khởi xướng, sau đó dần được hình thành dưới sự tham gia tích cực của Nhật Bản và sự thúc đẩy của Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Xét về nguồn gốc, TPP không phải do các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản phát kiến đầu tiên. Một trong những mục tiêu quan trọng của TPP là giúp Mỹ có thể đóng vai trò tích cực trong trật tự kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thời đại mới, nên ký kết TPP đồng nghĩa với việc Mỹ đã ký văn kiện có ý nghĩa pháp lý đầu tiên với khu vực Đông Á. Đây đáng lẽ sẽ là sự kiện mang tính bước ngoặt trong chiến lược Đông Á của Mỹ.
Về mặt lịch sử, quan hệ giữa Mỹ và châu Á phụ thuộc nhiều vào quan hệ và điều ước song phương, đồng thời vẫn chưa có một khuôn khổ chung nào giữa Mỹ và Đông Á.
Về mặt này, TPP do một số nước nhỏ đề xuất trên thực tế là muốn thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Đông Á có nội dung chủ nghĩa đa phương nhiều hơn, nhằm thể hiện trí khôn lớn của các nước nhỏ.
Thứ hai, động lực nội tại của TPP khởi nguồn từ việc các nước muốn dựa vào sức ép bên ngoài để thúc đẩy cải cách trong nước. Đối với Mỹ, vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cơ bản không có tiến triển trong vòng 15 năm, nên năm 2011 Mỹ bắt đầu đàm phán và ký kết một số thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương, điển hình là thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc…
Tuy nhiên, do lực lượng chính trị đối lập ở nước Mỹ rất mạnh nên việc ký thỏa thuận thương mại tự do với các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn. Sau đó, Mỹ đã khởi động tiến trình đàm phán kinh tế đa phương mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lấy TPP làm trung tâm.
Việc khởi động tiến trình TPP được triển khai đồng bộ với chiến lược “Tái cân bằng châu Á” do Chính quyền ông Obama khởi xướng, thường được Trung Quốc lý giải là một biện pháp kiềm chế Bắc Kinh, nhưng ở mức độ rất lớn là dựa vào sức mạnh bên ngoài để thúc đẩy cải cách trong nước.
Tình trạng của Nhật Bản cũng tương tự như vậy, sau những năm 1990 do cải cách cơ cấu kinh tế lạc hậu nên đã dẫn đến tăng trưởng thấp kéo dài trong hơn 20 năm, các cấu trúc lợi ích đã có rất khó bị phá vỡ.
Quyết định tham gia đàm phán TPP sớm nhất do cựu Thủ tướng Noda Yoshihiko đưa ra dưới thời kỳ cầm quyền của đảng Dân chủ (DPJ), đồng thời việc tăng thuế tiêu dùng cũng được quyết định dưới thời của ông. Tất cả những vấn đề này đều được ông Shinzo Abe kế thừa sau khi đảng Dân chủ tự do (LDP) lên cầm quyền, từ đó có thể thấy rằng Nhật Bản có sự đồng thuận vượt ra ngoài phạm vi đảng phái về vấn đề TPP.
Chính quyền ông Abe đã lấy TPP làm cơ hội để thực hiện được những việc mà các đời Thủ tướng Nhật Bản trong 20 năm trước đó không thể làm được trên các phương diện như cải cách hợp tác xã nông nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Động cơ này cơ bản giống với việc đàm phán gia nhập WTO để thúc đẩy cải cách trong nước của Trung Quốc.
Nếu TPP có thể thúc đẩy kinh tế Nhật Bản mở cửa và tăng cường sức sống kinh tế, thì hiệp định này cũng có thể thúc đẩy hệ sinh thái chính trị trong nước của Nhật Bản phát triển theo hướng cởi mở và thông thoáng hơn.
Như vậy, mới có lòng tin và sức mạnh để tham gia vào các mối quan hệ đối ngoại, và kinh tế Nhật Bản phục hồi tích cực là một điều tốt đối với Trung Quốc. Tương tự, hiện nay, Malaysia đều có ý muốn thông qua việc tham gia TPP (hoặc nay là CPTPP) để thúc đẩy cải cách trong nước.
Thứ ba, Trung Quốc cần phải gia nhập TPP, nay là CPTPP, để thúc đẩy vòng cải cách mở cửa mới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm thay đổi mạnh mẽ cán cân sức mạnh kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày nay, với GDP chiếm 15% thế giới, kim ngạch thương mại đứng đầu thế giới, thì việc Bắc Kinh muốn đưa ra “phương án Trung Quốc” đã không còn là "khẩu hiệu suông" mà là nhu cầu thực tế và tiếng nói của thế giới.
Đồng thời, cũng phải thấy rằng so với nước Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vai trò của Trung Quốc trong quá trình xây dựng trật tự kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rất lớn, nhưng không phải là sự chi phối, do quy mô kinh tế của Mỹ cộng với Nhật Bản vẫn lớn hơn nhiều so với Trung Quốc.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2015 kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 12% tỷ trọng thế giới, trong khi các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… chiếm khoảng 37%. Hơn nữa so với các nền kinh tế này, Trung Quốc vẫn không phải là nước nhập khẩu hàng tiêu dùng cuối cùng chủ yếu của thế giới.
Là hiệp định hợp tác kinh tế trong thời đại kinh tế tri thức, ngoài việc cắt giảm thuế quan, CPTPP còn liên quan đến rất nhiều nội dung mới như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quy định luồng dữ liệu…, trong đó có nhiều quy định liên quan đại diện cho nền kinh tế tri thức mới.
Trong khi RCEP lại nghiêng nhiều hơn về việc cắt giảm rào cản thương mại quốc tế truyền thống. Do đó, CPTPP có thể trở thành sức ép bên ngoài quan trọng đối với vòng cải cách mở cửa mới của Trung Quốc, từ đó tạo ra động lực mới để nước này tiến hành cải cách ở trong nước, giống như việc gia nhập WTO trước đó.
Quyền lãnh đạo và tương lai trật tự kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
Việc hiệp định RCEP được ký kết và Trung Quốc bày tỏ tích cực cân nhắc tham gia CPTPP đã làm dấy lên làn sóng thảo luận về quyền lãnh đạo trật tự kinh tế khu vực Đông Á đang dịch chuyển sang Trung Quốc.
Tác giả cho rằng việc giải thích tranh chấp quyền lãnh đạo thường gây sự chú ý của mọi người, nhưng quyền lãnh đạo không hoàn toàn là kết quả của một cuộc tranh giành, mà ở mức độ nhất định nào đó cũng là quá trình hình thành và chuyển tiếp tự nhiên.
Hiện nay, quyền lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thậm chí là trên thế giới cũng được hình thành trong lịch sử, không hoàn toàn dựa vào chiến lược lớn để có được.
Trong bối cảnh Mỹ có sức mạnh kinh tế, công nghệ, quân sự, văn hóa vượt trội và các nước chủ chốt không thể đảm đương trọng trách tái thiết trật tự quốc sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, điều này làm cho quyền lãnh đạo của Mỹ là không thể thiếu và sau đó khiến Mỹ bắt đầu coi mình là quốc gia ngoại lệ một cách hiển nhiên.
Xem ra hiện nay các hiệp định/thỏa thuận thương mại tự do của khu vực đang có nhiều cơ chế, nhưng sức sống và sự bền vững của chúng cần phải thông qua sự kiểm nghiệm của thị trường. Cho dù là TPP hay CPTPP, hay là sự thừa nhận của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), thì quyền quyết định không nằm ở chính phủ, và cũng không nằm ở sự bình luận của giới truyền thống, mà nằm ở các doanh nghiệp thực sự tham gia vào các hoạt động kinh tế.
Đối với doanh nghiệp, tăng cường các lựa chọn cho bản thân không phải là điều xấu, họ sẽ dựa vào nguyên tắc phân bổ nguồn lực có lợi nhất và tối đa hóa lợi ích để tìm kiếm khuôn khổ thỏa thuận khu vực có lợi nhất, đồng thời dựa trên cơ sở này để điều phối dòng chảy hàng hóa, nguồn nhân lực và vốn.
Do vậy, trong quá trình tái cấu trúc trật tự kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai, các cơ chế sẽ nằm trong trạng thái cạnh tranh lẫn nhau trong một thời gian dài, đồng thời tìm cách nâng cao giá trị gia tăng của bản thân trong quá trình cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội hợp tác và hội nhập với các cơ chế khác. Đây sẽ là một quá trình rất năng động, đòi hỏi phải duy trì sự linh hoạt trong tư duy chiến lược thì mới không đánh mất cơ hội.
Có thể thấy rằng trong số các nước thành viên tham gia TPP và RCEP hiện nay có không ít nước trùng lặp, nói cách khác hai hiệp định này không phải là mối quan hệ bài xích lẫn nhau, mà là quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh.
Xem xét một cách linh hoạt, trong tương lai hai hiệp định rất có khả năng “trăm sông đổ về một biển”, hội tụ vào một thời điểm nào đó, sau cùng thực hiện nhất thể hóa châu Á-Thái Bình Dương. Bằng cách này, sự hoài nghi lẫn nhau về chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ được cải thiện mang tính thể chế. Hai hiệp định có thể sẽ trở thành một cách thức để thực hiện Khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)./.