Tương lai hội nhập tài chính ASEAN thông qua thanh toán tiền nội địa

Hội nhập tài chính trong ASEAN là một giấc mơ được mong đợi từ lâu đối với một khu vực có mức tăng trưởng thị trường lớn không thể phủ nhận trong tương lai.
Tương lai hội nhập tài chính ASEAN thông qua thanh toán tiền nội địa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: industryglobalnews24.com)

Tờ Modern Diplomacy có trụ sở tại châu Âu nhận định rằng khi đề cập hội nhập tài chính khu vực, người ta nghĩ đến các đồng tiền khu vực như euro là ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, một câu chuyện khác đang diễn ra ở Đông Nam Á. Hội nhập tài chính trong ASEAN là một giấc mơ được mong đợi từ lâu đối với một khu vực có mức tăng trưởng thị trường lớn không thể phủ nhận trong tương lai.

Một thị trường hội nhập có nghĩa là sự phát triển hơn nữa trong lĩnh vực tài chính gồm ngân hàng, bảo hiểm, thị trường vốn, cũng như thương mại.

[Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 26 nhấn mạnh ba ưu tiên cho khu vực]

Trong một khu vực có tiềm năng thị trường lớn nhưng thương mại nội khối thấp, việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính không chỉ dẫn đến tăng trưởng kinh tế và thương mại mà còn mang lại hiệu quả thị trường bằng cách hạ giá vốn.

Hội nhập tài chính là một vấn đề phức tạp và để hiểu đầy đủ, người ta phải hiểu được tiến trình của ASEAN cho đến nay và các bước cụ thể mà tổ chức này đang thực hiện đảm bảo một tương lai hội nhập về tài chính.

Những tiến triển trong hội nhập tài chính ASEAN

Hội nhập tài chính của ASEAN là một quá trình kéo dài, nhưng tính chất quan trọng đã được thể hiện kể từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN năm 1997 tại Thái Lan.

Bước cụ thể đầu tiên hướng tới hội nhập tài chính được thực hiện năm 2003 sau thỏa thuận giữa các Bộ trưởng Tài chính của ASEAN về Lộ trình hội nhập tiền tệ trong ASEAN.

Tiếp theo là năm 2007 khi các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong khuôn khổ việc xây dựng Kế hoạch chi tiết AEC gồm các kế hoạch tự do hóa thương mại và dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính, chế độ tài khoản vốn và tích hợp hệ thống tài chính.

Điều này có nghĩa là AEC có kế hoạch loại bỏ hạn chế đối với tài khoản vốn và dịch vụ tài chính nội khối, hài hòa và phát triển thị trường vốn, hài hòa các hệ thống thanh toán và quyết toán cũng như nâng cao trình độ cho các chuyên gia tài chính.

Đến năm 2011, Khuôn khổ Hội nhập Tài chính ASEAN được thành lập như là cách tiếp cận chính cho các sáng kiến nhằm thúc đẩy hội nhập lĩnh vực tài chính.

Với mục tiêu là một khu vực tài chính bán hội nhập năm 2020, mục tiêu chính của khuôn khổ bao gồm cung cấp các dịch vụ tài chính nội khối ASEAN, nâng cao năng lực và phát triển thị trường vốn ASEAN, tự do hóa dòng vốn, hài hòa hóa các hệ thống thanh toán và quyết toán và giám sát và sắp xếp tài chính khu vực.

Hai năm sau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) xuất bản báo cáo tóm tắt “Con đường dẫn tới hội nhập tài chính ASEAN - Nghiên cứu tổng hợp đánh giá bối cảnh tài chính và xây dựng các mốc quan trọng cho hội nhập tài chính và tiền tệ trong ASEAN” như một hướng dẫn tham khảo có quá trình hội nhập tài chính.

Các cơ sở của AEC trong năm 2015 chỉ thúc đẩy tiến trình đang diễn ra. Hiện tại, ASEAN thực hiện hai bước rất khác biệt trong việc hoàn thành mục tiêu Khuôn khổ hội nhập tài chính ASEAN.

Khung thanh toán tiền tệ địa phương

Trong một khu vực mà thương mại nội khối ASEAN vẫn chưa đạt mức cao, thương mại song phương ở Đông Nam Á từ lâu bị chi phối bởi việc sử dụng đồng USD. Điều này chủ yếu là do sự ổn định và tính thanh khoản của đồng USD, đồng thời do ASEAN thiếu một đồng tiền khu vực.

Tuy nhiên, các giao dịch sử dụng đồng USD làm cho thương mại, đầu tư và kinh doanh kém hiệu quả hơn vì phải mất nhiều thời gian chuyển đổi các đồng nội tệ sang đồng USD và chuyển đổi chúng trở lại.

Việc quá tin tưởng vào đồng USD khiến đồng USD mạnh lên, điều này có thể làm cho đồng nội tệ giảm giá và giao dịch trở nên đắt hơn. Hơn nữa, các đồng nội tệ của ASEAN dao động tương đối mạnh so với đồng USD, do đó có thể ảnh hưởng đến giá trị nợ nước ngoài.

Năm 2016, Thái Lan và Malaysia bắt đầu hợp tác song phương về thanh toán bằng nội tệ và tiếp theo là Indonesia năm 2018. Mục đích là thiết lập một khuôn khổ tiền tệ cho phép sử dụng đồng nội tệ để tạo thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới và dòng chảy thương mại.

Khuôn khổ này được gọi là Khuôn khổ thanh toán tiền tệ địa phương (LCS) cho phép thực hiện giao dịch song phương bằng cách sử dụng đồng nội tệ trong mỗi quốc gia.

Mục tiêu là giảm sự tin tưởng quá mức vào đồng USD như là đơn vị tiền tệ được sử dụng cho các giao dịch thương mại và tạo ra sự ổn định của đồng nội tệ bằng cách đa dạng hóa trao đổi tiền tệ.

Cuối cùng, LCS cũng là một động thái chiến lược trong việc phát triển hiệu quả thương mại bằng cách thực hiện giao dịch trực tiếp mà không cần phải mua và bán đồng USD để chuyển đổi. Nhìn chung, LCS giúp nâng cao hiệu quả thị trường và phát triển thị trường nội tệ.

Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng trung ương của AMS này (Ngân hàng trung ương Malaysia, Ngân hàng trung ương Thái Lan và Ngân hàng trung ương Indonesia) chỉ định một số ngân hàng tại các quốc gia tương ứng làm Đại lý tiền tệ chéo được chỉ định (ACCD). Đây là những ngân hàng có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch bằng ngoại tệ, có kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ tài chính khác nhau và có quan hệ tốt với các ngân hàng ở các nước đối tác.

Các dịch vụ do ngân hàng ACCD cung cấp bằng nội tệ bao gồm phát hành biên lai thanh toán xuất nhập khẩu cho các giao dịch hàng hóa và dịch vụ, nhận và thanh toán các giao dịch trả công lao động và thu nhập đầu tư, kiều hối và đầu tư trực tiếp giữa các khách hàng LCS với giới hạn sở hữu tối thiểu 10%.

Hiện tại, có 7 ngân hàng AACD do Indonesia chỉ định, 6 ngân hàng ACCD do Malaysia chỉ định và 5 ngân hàng ACCD do Thái Lan chỉ định.

Hiện tại, hợp tác LCS mở rộng bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc thông qua Biên bản ghi nhớ được ký giữa Ngân hàng trung ương Indonesia và Bộ Tài chính Nhật Bản năm 2020, tiếp theo là Biên bản ghi nhớ do Ngân hàng trung ương Indonesia ký với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) năm 2021.

Ngân hàng trung ương Philippines ký thỏa thuận với các ngân hàng trung ương của Indonesia, Thái Lan và Malaysia trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương năm 2019, mặc dù họ vẫn chưa chỉ định bất kỳ ACCD.

Dù thương mại giữa các quốc gia này vẫn bị chi phối nhiều bởi đồng USD, nhưng việc thực hiện LCS cho thấy một xu hướng tích cực. Năm 2018, Ngân hàng trung ương Indonesia báo cáo thương mại của Indonesia với Malaysia sử dụng khuôn khổ LCS chiếm 1,4%, sau đó tăng lên 3,6% năm 2019 và 4,1% năm 2020.

Thái Lan cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng thực hiện LCS từ 0,6% năm 2018 lên 1,1% năm 2019 và 1,3% năm 2020.

Khuôn khổ LCS mang lại một số lợi ích đáng chú ý vì hệ thống thanh toán hiệu quả hơn sẽ giúp các các giao dịch được thực hiện nhanh hơn, cung cấp công cụ bảo hiểm rủi ro thay thế cho tài trợ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp, đồng thời giải quyết giao dịch với các loại tiền tệ đa dạng. Theo đó, đa dạng hóa được hy vọng có thể hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy nền kinh tế sự hồi phục.

Việc sử dụng LCS có khả năng mang lại những thay đổi cấu trúc trong việc lập hóa đơn thanh toán trong ASEAN.

Mặc dù tỷ lệ sử dụng nội tệ cho thương mại và đầu tư vẫn còn nhỏ - với chỉ khoảng dưới 10% giao dịch được thực hiện bằng nội tệ so với đồng USD - vẫn có hy vọng lớn về việc sử dụng rộng rãi hơn khuôn khổ LCS.

Tính đến năm 2019, tổng thương mại được thực hiện bằng LCS đã tích lũy lên đến 83 tỷ USD. Đây là một bước đi chậm và nhỏ đối với con đường dài cho khả năng phục hồi tiền tệ ở ASEAN.

Thanh toán QR xuyên biên giới

Tương tự, Indonesia gần đây tạo ra một sáng kiến mở rộng các tính năng và dịch vụ của Mã phản hồi nhanh Tiêu chuẩn Indonesia (QRIS). Sáng kiến được nhắc lại năm 2021 và sau đó là cam kết thiết lập tính liên kết QR trong nước và khu vực.

Điều này phù hợp với Lộ trình Bandar Seri Begawan (BSBR) - chương trình nghị sự chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và hội nhập kinh tế kỹ thuật số của ASEAN do AEC thông qua.

Việc này tái khẳng định cam kết của ASEAN đối với chương trình nghị sự 5 năm hướng tới sự phát triển của Hiệp định Kinh tế Kỹ thuật số và các cuộc đàm phán Hiệp định Khung Kinh tế Kỹ thuật số (DIFA) năm 2025.

Tài liệu này đặc biệt tập trung vào việc tạo ra kết nối tài chính, thanh toán và dịch vụ với Khung Chính sách Thanh toán ASEAN, và nội dung này cũng được lưu ý trong tuyên bố chung được đưa ra trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương (AFMGM) lần thứ 8 trong năm nay.

Khung chính sách thanh toán ASEAN cho thanh toán bán lẻ xuyên biên giới thuộc giai đoạn “Tăng tốc,” theo đó, nhằm mục đích triển khai thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới thông qua QR trong khu vực ASEAN.

Điều này nhằm tăng cường thúc đẩy bao trùm tài chính thông qua dịch vụ tài chính kỹ thuật số và kết nối thanh toán khu vực nhằm đẩy nhanh Chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, bao gồm việc phát triển Khung mã QR có thể hoạt động liên ASEAN năm 2022.

Điều này phù hợp với Sáng kiến Kết nối Thanh toán ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập tài chính và kết nối các giao dịch tài chính trong ASEAN.

Cần lưu ý rằng thanh toán QR là một phương thức thanh toán đáng tin cậy, chi phí phải chăng và hiệu quả, có tiềm năng thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thương mại hàng hóa và dịch vụ quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch do tính thiết thực và tiện lợi.

QR xuyên biên giới có tiềm năng trong việc tăng hiệu quả giao dịch và đẩy nhanh quá trình số hóa thương mại và đầu tư. Hơn nữa, sáng kiến này có tiềm năng song hành với khuôn khổ LCS giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Kết luận về tương lai hội nhập tài chính của ASEAN

Hợp tác tài chính hiện tại trong khuôn khổ LCS và sáng kiến QR xuyên biên giới đang được dẫn đầu bởi Indonesia, Thái Lan và Malaysia, vốn cũng là một phần của Tam giác tăng trưởng Indonesia-Malaysia-Thái Lan (IMT-GT).

Ba quốc gia cũng có chung quan điểm trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD và vị trí địa lý gần nhau có thể góp phần làm tăng trao đổi thương mại.

Thông qua các bước cụ thể, ba quốc gia thành viên ASEAN đang mở đường cho hội nhập tài chính ASEAN rộng lớn hơn.

Vì việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và đa dạng hóa tiền tệ có thể đồng nghĩa với sự ổn định giá trị đối với đồng nội tệ, các chính phủ cần đảm bảo rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với khuôn khổ LCS.

Hơn nữa, các thông tin về loại tiền tệ thanh toán được ưu đãi giữa các công ty và các cuộc khảo sát thường xuyên về việc sử dụng nội tệ trong đầu tư và thương mại sẽ là chìa khóa để thúc đẩy việc sử dụng LCS nhiều hơn trong khu vực, giúp tăng số lượng thị trường giao dịch và giảm chi phí giao dịch nội tệ hơn nữa.

Tương tự, có rất nhiều hy vọng rằng thanh toán QR xuyên biên giới góp phần phục hồi kinh tế và tương lai của thanh toán và tài chính kỹ thuật số, vì sáng kiến tích hợp QR xuyên biên giới có thể là mũi nhọn trong sự phát triển của cơ sở hạ tầng và công nghệ tài chính, giúp mở rộng việc thanh toán chuyển tiền xuyên biên giới và mua bán trên thị trường chứng khoán.

Sáng kiến có thể có triển vọng tăng hiệu quả thương mại bán buôn và bán lẻ quốc tế và thúc đẩy số hóa các khoản đầu tư. Ngoài ra, nó còn mang lại tiềm năng tăng giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc thực hiện các giao dịch trực tuyến và thúc đẩy phục hồi du lịch.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên ASEAN cần phải mở rộng nỗ lực số hóa các lĩnh vực tài chính nhằm tạo ra một môi trường toàn diện cho một thị trường tài chính tích hợp.

Tài chính kỹ thuật số không chỉ thúc đẩy nền kinh tế khu vực mà còn giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt, tự do hóa đầu tư và thương mại của AEC.

Theo nghĩa này, Khuôn khổ Ngân hàng ASEAN Đủ điều kiện cần được sử dụng để giúp các ngân hàng thực hiện các dịch vụ tài chính phù hợp và hợp tác với các bên liên quan trong việc đảm bảo việc cung cấp các công nghệ tài chính kỹ thuật số và dịch vụ nền tảng điện tử có thể tiếp cận được với nhiều quốc gia thành viên ASEAN.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), nơi có thị trường dựa trên tiền mặt và sự sẵn sàng công nghệ tài chính hạn chế.

Do đó, cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy ý chí chính trị và sự sẵn sàng giữa các quốc gia thành viên ASEAN để đảm bảo tương lai của hội nhập tài chính ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục