Ngày 29/9, tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Phước tổ chức lễ tưởng niệm 60 năm ngày đồng bào, đồng chí hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc-Tiên Thọ.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các tổ chức đoàn thể và đông đảo nhân dân địa phương đã tới dâng hương tại Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh tại Cây Cốc.
Cách đây 60 năm, cuộc đấu tranh Cây Cốc-Tiên Thọ của nhân dân huyện Tiên Phước chống khủng bố, đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Geneva đã diễn ra.
Làn sóng đấu tranh của quần chúng ngày càng lan rộng. Những đoàn người các xã Tiên Kỳ, Tiên Lộc, Tam Dân, Tiên Lập, Tiên Phong, đã tạo nên cuộc đấu tranh của hàng ngàn người tại chợ Cây Cốc, bao vây đồn địch, hô vang khẩu hiệu phản đối hành động đàn áp dã man của địch, đòi chúng thực thi những yêu cầu chính đáng của nhân dân.
Đồng bào ta đã dũng cảm tuyên truyền nội dung Hiệp định Geneva. Đoàn người đấu tranh ngày càng đông, khí thế đấu tranh càng mãnh liệt, buộc địch một lần nữa phải nhượng bộ, xin lỗi nhân dân và hứa sẽ thực hiện những yêu cầu chính đáng của đồng bào.
Tuy nhiên, với bản chất gian trá, thủ đoạn hèn hạ, sau đó kẻ địch đã không thực hiện lời hứa.
Rạng sáng 29/9/1954, đồng bào ta tại các ngã Tiên Phong, Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Lập, Tiên Lộc của huyện Tiên Phước và Tam Dân, Tam Lãnh của huyện Phú Ninh đổ về chợ Cây Cốc.
Kẻ thù càng tàn bạo, nhân dân ta càng sôi sục đấu tranh. Đồng bào ta kịch liệt lên án tội ác của giặc, xông thẳng vào trại lính. Kẻ địch đã ra lệnh cho binh lính dùng vũ lực đàn áp cuộc đấu tranh làm hơn 330 đồng bào, đảng viên trung kiên ngã xuống.
Sự hy sinh của đồng bào, đồng chí trong cuộc đấu tranh Cây Cốc đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của quân và dân huyện Tiên Phước trong 21 năm chống Mỹ cứu nước.
Cùng với các lực lượng vũ trang, quân và dân Tiên Phước đã mở các Chiến dịch giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc năm 1961; Chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Sơn-Cẩm-Hà năm 1962 tạo bàn đạp vững chắc và tạo thế thuận lợi để cách mạng tiến công xuống đồng bằng.
Nhân dân ta cũng đã làm thất bại các chiến dịch “Bình châu,” “Dân chiến,” “Tố cộng,” “Diệt cộng” của địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Năm 1975, quân dân Tiên Phước phối hợp với các lực lượng vũ trang mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng, giải phóng vùng duyên hải miền Trung, tạo tiền đề cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Tiên Phước là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng trong năm 1975./.