Tượng vua An Dương Vương: Bảo vật Quốc gia có nhiều đặc điểm hiếm gặp

Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương tại Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa có niên đại từ thế kỷ XIX, mang nhiều giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, là hiện vật độc đáo chưa từng thấy.
Nỏ thần Kim Quy được rước trong Lễ hội Cổ Loa Xuân Quý Mão năm 2023. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Nỏ thần Kim Quy được rước trong Lễ hội Cổ Loa Xuân Quý Mão năm 2023. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong số 27 Bảo vật Quốc gia mới được công nhận, pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa là hiện vật độc bản duy nhất, chưa từng thấy ở bất cứ di tích thờ An Dương Vương nào trên đất nước ta.

Đúc tượng từ kho đồng thiêng

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, năm 1893, người dân địa phương trùng tu đền Thượng Cổ Loa, đào được một kho đồng. Các cụ cao niên cho rằng đó là kho đồng thiêng của nhà vua nên đã đem đúc tượng, phục vụ cho việc thờ cúng, tế lễ tại đền. Năm 1897 thì việc đúc tượng hoàn thành.

Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương làm bằng hợp kim đồng với kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp (sáp ong). Tượng lòng rỗng, trong tư thế ngồi trên bệ, liền khối, hình trụ, hai tay cầm hốt với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi.

Vua đội mũ bình thiên hai cấp, trang trí "lưỡng long chầu nhật." Khuôn mặt ngài vuông chữ "điền," mang phong cách của nghệ thuật tượng chân dung. Người mặc áo long bào cổ cao, hai tay cầm hốt để trước ngực, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài. Thân đeo đai ngọc to bản trễ xuống, chân đi hài mũi cong.

Tượng vua An Dương Vương: Bảo vật Quốc gia có nhiều đặc điểm hiếm gặp ảnh 1Pho tượng vua An Dương Vương tại Cổ Loa. (Ảnh: Ban quản lý di tích cung cấp)

Hoa văn trang trí trên long bào được sắp đặt theo bố cục đăng đối, ở mặt trước và sau, bên phải, bên trái. Điểm nhấn của hoa văn trang trí trên long bào được phân thành các chủ đề khác nhau như: Lưỡng long chầu nhật, rồng cuộn, mây hóa, trăng, sao, rồng hóa, chim phượng, chim công, cỏ cây, hoa lá, sóng nước và những biểu tượng thiêng khác...

Trên tượng có các dòng chữ Hán được khắc và dát vàng: "Thánh tổ An Dương Hoàng đế," "Đinh Dậu niên, ngũ nguyệt thập lục nhật chú," (đúc ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu 1897), "Đồng tượng nhị bách ngũ thập ngũ cân" (tượng đồng nặng 255 cân).

Theo hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia, pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương là hiện vật có tính độc đáo thể hiện qua kỹ thuật đúc tượng, hình thức trang trí hoa văn, diễn tả được đầy đủ, toàn diện hình thể của một bức tượng chân dung và thể hiện được phong thái, cốt cách của một vị thần chủ - vua An Dương Vương.

Trên hoa văn của mũ tượng biểu hiện về thế lực tầng trên. Ở thành đứng 2 bên của cấp trên có đôi rồng nhỏ chầu vào chính giữa là 3 hoa cúc, mỗi hoa đều thể hiện 3 lớp cánh lồng nhau. Phía sau mũ đúc nổi chính tâm là hoa cúc lồng 3 lớp cánh - biểu tượng của mặt trời, 4 góc là rồng chầu về bông cúc này, có ý nghĩa như "rồng chầu mặt trời," chính là biểu tượng cho vương quyền.

[Phó Thủ tướng ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia]

Khuôn mặt vua An Dương Vương được tạo tác khá cẩn trọng, theo những quy chuẩn đầy tính biểu tượng, với đôi mắt tuy mở rõ, nhưng vẫn như nhìn xuống, có đôi chút ảnh hưởng của triết học Phật Giáo, để soi rọi nội tâm và hướng con người tới thiện tâm. Đỉnh tai của tượng cao hơn lông mày chút ít, mũi đầy đặn cân đối, biểu hiện của người có trí tuệ cao của bậc chính nhân quân tử. Đặc biệt miệng hơi mỉm cười mà ở góc độ nhân tướng học, đó là nụ cười cảm thông và cứu độ.

Trong bức tượng, vua An Dương Vương đi hài, mũi cong, đầu mũi hài có đúc hình hoa cúc mãn khai nổi. Nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo gọi đây là "vân xảo," nhờ nó mà thần có thể bay xa. Bệ tượng hình gần trụ, được đúc rỗng và trổ thủng ở hai bên hình mây cách điệu.

Hiện tượng hiếm gặp

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Hoàng Công Huy, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa cho rằng đây là hiện vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của dân tộc.

Tượng vua An Dương Vương: Bảo vật Quốc gia có nhiều đặc điểm hiếm gặp ảnh 2Cận cảnh các dòng chữ Hán trên pho tượng.

Về giá trị lịch sử, pho tượng là hiện thân của vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc (Thế kỷ III trước Công nguyên), định đô ở Cổ Loa, lãnh đạo nhân dân đắp thành kiên cố, chống giặc và phát triển nền sản xuất, đặc biệt có nhiều thành tựu trong nghệ thuật quân sự, kỹ thuật luyện kim đúc đồng, chế tạo nông cụ và nông nghiệp lúa nước.

Về mặt văn hóa, tượng ngài gắn với lễ hội đền Cổ Loa-lễ hội Bát xã Loa thành; mang giá trị biểu tượng, biểu hiện của truyền thống "uống nước nhớ nguồn," thờ những người có công với đất nước như một hằng số của người Việt.

[Hà Nội: Lễ hội Cổ Loa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia]

Bên cạnh đó, pho tượng cũng phản ánh kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng truyền thống của người Việt. Lối đúc tượng ngồi trên bệ, không trên long ngai là một hiện tượng hiếm gặp, khi nhà vua đã hóa thân thành Thần và Phật, một biểu tượng gần gũi với cộng đồng.

“Giá trị của pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương, tại một ngôi đền linh thiêng như đền Thượng, trong Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, phải được tôn vinh xứng đáng, bên cạnh những giá trị nghệ thuật được gửi gắm từ tiền nhân qua pho tượng độc đáo này,” ông Huy chia sẻ./.

Vào tối 26/1 (mùng Năm Tết Nguyên đán Quý Mão), huyện Đông Anh đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa Lễ hội Cổ Loa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo truyền thống, lễ hội đền Cổ Loa sẽ kéo dài trong hai ngày mùng Năm và Sáu tháng Giêng. Tiếp đó, lễ hội Bát xã Cổ Loa (Cổ Loa, Sằn Giã, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Ngoại Sát, Thư Cưu, Văn Thượng) sẽ kéo dài đến 18 tháng Giêng.

Ông Hoàng Công Huy cho biết trong hai ngày mùng Năm và Sáu tháng Giêng, Khu di tích Cổ Loa đón hơn 8 vạn du khách.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục