Tuyển sinh đại học: Thí sinh nên chọn ngành rồi mới chọn trường

Theo các chuyên gia giáo dục, trước tiên, thí sinh hãy lựa chọn ngành học dựa trên sở thích, sở trường, năng lực bản thân và nhu cầu xã hội, tiếp đó mới chọn trường phù hợp.
Tuyển sinh đại học: Thí sinh nên chọn ngành rồi mới chọn trường ảnh 1Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Chọn ngành học nào trong số hàng trăm ngành đang được các trường đào tạo, chọn trường nào trong số hàng trăm đại học trải khắp cả nước là băn khoăn của rất nhiều thí sinh mỗi mùa tuyển sinh đại học. Theo các chuyên gia, trước tiên, thí sinh hãy lựa chọn ngành học dựa trên sở thích, sở trường, năng lực bản thân, nhu cầu xã hội, tiếp đó mới chọn trường.

Chọn ngành hay chọn trường?

Chia sẻ với thí sinh về vấn đề chọn ngành, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: “Với 25 năm trong kinh nghiệm nghề giáo trong lĩnh vực giáo dục đại học, tôi có thể khẳng định là chúng ta phải chọn ngành trước. Khi đã xác định được ngành nghề sẽ theo đuổi, cống hiến, tâm huyết thì sẽ tạo ra được động lực để thực hiện ước muốn. Tiếp theo sau đó mới lựa chọn trường phù hợp trong các trường đào tạo ngành nghề đó.”

Đây cũng là tư vấn của Phó giáo sư Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển với sỹ tử. Theo ông Nguyên, thí sinh trước tiên cần xác định xem ngành nghề các em mong muốn, năng lực sở trường của mình là gì để chọn các ngành phù hợp. Sau khi chọn được ngành yêu thích, thí sinh mới nên chọn trường phù hợp với năng lực bản thân.

Trong việc chọn trường, Phó giáo sư Trần Trọng Nguyên lưu ý thí sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố như đặc thù đào tạo, mức điểm đầu vào… “Các trường có bề dày đào tạo, có kinh nghiệm và chất lượng đào tạo tốt thường sẽ là điểm đến của nhiều thí sinh, sự cạnh tranh vì thế sẽ lớn hơn. Các em cũng không nên bỏ qua những trường ‘trẻ’ vì thế mạnh của họ là tiếp cận, đổi mới, cập nhật nhanh và sự cạnh tranh có thể cũng thấp hơn,” ông Nguyên phân tích.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, chi phí đào tạo cũng là một điểm thí sinh nên đặc biệt quan tâm khi các trường đại học đang thực hiện tự chủ với các mức độ khác nhau. Vì thế, với mỗi trường, mỗi ngành học sẽ có mức học phí sẽ khác nhau và có lộ trình tăng từng năm theo Nghị định 81 của Chính phủ. Trong đó, có những ngành có chi phí đào tạo khá cao như khối ngành y dược, trong khi có một số ngành được hỗ trợ học phí, thậm chí cấp cả sinh hoạt phí như nhóm ngành sư phạm. Những thông tin này thí sinh có thể tham khảo trên cổng thông tin điện tử của các trường.

“Bí quyết” chọn ngành

Theo Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, để lựa chọn các ngành nghề phù hợp, thí sinh phải kiểm tra một cách khách quan để xem tính cách, năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào. “Các em cần phải trả lời những câu hỏi sau: Các em có thực sự thích ngành nghề đó hay không? Có đam mê không? Có cơ hội phát triển không?,” ông Khánh cho biết.

Tuyển sinh đại học: Thí sinh nên chọn ngành rồi mới chọn trường ảnh 2Thí sinh tham vấn về lựa chọn ngành nghề. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay thí sinh có thể tìm giao của 4 vòng tròn, 4 mục tiêu: Thứ nhất là chọn ngành các em giỏi, thứ hai là chọn ngành yêu thích, thứ ba là chọn ngành mà xã hội cần, thứ tư là chọn ngành có thu nhập cao.

Để biết ngành nào phù hợp và có thể giỏi, ông Thuận khuyên thí sinh có thể tham khảo trang hướng nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội để làm các bài kiểm tra, khẳng định tính cách, năng lực của mình, qua đó xác định ngành phù hợp. Về nhu cầu xã hội và thu nhập, thí sinh có thể tìm hiểu các thông tin trên Internet.

[10 lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh đại học cao nhất năm 2022]

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, thí sinh có thể tham khảo thông tin về dự báo ngành nghề, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các bộ, ngành, của các lĩnh vực công bố định kỳ hằng năm hoặc các báo cáo 3 năm, 5 năm, 10 năm để xem nhu cầu phát triển tương lai của ngành nghề như thế nào. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong từng thời kỳ của các địa phương cũng là kênh thông tin hữu ích về nhu cầu xã hội.

Bà Thủy cho hay trên thực tế, có nhiều sinh viên sau khi vào trường mới nhận thấy ngành nghề mình theo học không phù hợp với bản thân. “Tất nhiên khi đó các em vẫn có thể chọn lại, bắt đầu lại. Tuy nhiên, điều này sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của các em và cha mẹ. Vì vậy, tốt nhất là thí sinh nên tìm hiểu thật kỹ để có thể chọn đúng ngay từ đầu,” bà Thủy nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục