Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa Sacombank-Southernbank là 1:0,75

Tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa Sacombank và Southernbank đã được công bố ở mức 1: 0,75; tức một cổ phiếu Southernbank sẽ được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu Sacombank.
Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa Sacombank-Southernbank là 1:0,75 ảnh 1Giao dịch tại Sacombank. (Nguồn: TTXVN)

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa chính thức công bố đề án sáp nhập giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam (Southernbank) vào ngân hàng này. Đề án này sẽ được đưa ra tại cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 11/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa Sacombank và Southernbank đã được công bố ở mức 1: 0,75; tức một cổ phiếu Southernbank sẽ được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu Sacombank.

Như vậy 1 cổ phiếu của cổ đông cũ Sacombank sẽ nhận thêm 0,387 cổ phiếu của Sacombank bao gồm: cổ phiếu nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu Southernbank (0,087 cổ phiếu); trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013 (0,080 cổ phiếu), trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014 (0,120 cổ phiếu) và thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ (0,0875 cổ phiếu) và từ thặng dư vốn cổ phần (0,0125 cổ phiếu).

Được biết, tên ngân hàng sau sáp nhập sẽ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, tên viết tắt là Sacombank.

Sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của ngân hàng sáp nhập sẽ ở mức 18.852 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của Sacombank là 12.425 tỷ đồng, Southernbank là 4.000 tỷ đồng . Sacombank sẽ tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức và cổ phiếu thưởng cho phần vốn tăng thêm là 2.427 tỷ đồng.

Theo lộ trình dự kiến của hai ngân hàng công bố, Sacombank và Southern Bank bảo đảm việc hợp tác trước, trong và sau sáp nhập sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và đối tác của các bên.

Hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường, bảo đảm an toàn tuyệt đối về tài sản, vốn, tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn tín dụng, đảm bảo tính thanh khoản, thực hiện đúng các quy trình về kiểm soát rủi ro hoạt động và các rủi ro khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; bảo đảm lợi ích của cổ đông (bao gồm cả các cổ đông mới tham gia với mục đích thực hiện sáp nhập) của mỗi bên, bao gồm các công ty/ngân hàng con, nếu có.

Dự kiến, trong quý 3, việc sáp nhập sẽ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc và chính thức. Các thủ tục khác cũng được hoàn thiện trong quý 3. Sang quý 4 sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu Sacombank.

Về nhân sự, Sacombank sau sáp nhập sẽ sử dụng tất cả cán bộ, nhân viên hiện tại của Sacombank và Southern Bank vào ngày sáp nhập. Hiện Sacombank có 12.608 nhân sự và Southern Bank là 2.902 người. Tổng cộng ngân hàng sau sáp nhập sẽ có 15.510 người. Tổng số điểm giao dịch sau khi sáp nhập là 649 điểm, trong đó có 112 chi nhánh và 526 phòng giao dịch trong nước và có 2 ngân hàng con cùng 9 chi nhánh ở nước ngoài.

Cũng theo đề án, sau sáp nhập, Sacombank sẽ xây dựng mô hình tổ chức dựa trên nền tảng mô hình tổ chức hiện tại của ngân hàng sáp nhập. Theo đó, Sacombank thực hiện sắp xếp, tổ chức theo hướng của một ngân hàng hiện đại, tập trung và chuyên môn hóa cao hơn, tận dụng được hiệu quả nguồn lực tối đa, trong đó hình thành các khối về kinh doanh, quản lý rủi ro, hỗ trợ..., đồng thời áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực quản trị, điều hành của ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục