Trong cuộc họp báo về triển vọng thị trường bất động sản năm 2017 diễn ra ngày 10/1 tại Hà Nội, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn CBRE nhận định tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản đứng thứ 2 trong các ngành kinh tế và thể hiện tính bền vững.
Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam Marc Townsend cho biết, mặc dù không có những bứt phá nhưng nguồn lực dành cho thị trường bất động sản vẫn dồi dào, hỗ trợ đà tăng trưởng cho năm 2017.
Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cũng chung nhận định, nguồn vốn FDI và lượng kiều hối đổ về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng thêm đà “đẩy” thị trường trong các năm tới.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản của CBRE thì FDI vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế với con số 24,4 tỷ USD cho năm 2016 – đạt mức cao kỷ lục trong vòng 8 năm qua.
Riêng tỷ trọng FDI vào bất động sản chiếm 7% tổng nguồn vào Việt Nam và giữ vị trí thứ 2 trong thu hút FDI của các ngành kinh tế. Mặc dù so với tỷ trọng 25% vào giai đoạn 2007-2009 thì mức 7% thấp hơn nhiều nhưng lại được đánh giá là bền vững, bà An nhận xét.
Đánh giá về hiệu quả của thị trường bất động sản, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Savills Việt Nam dẫn chứng, hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2016 đạt mức tăng trưởng 4% - cao nhất trong vòng 5 năm.
Cùng đó, dự trữ ngoại hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện và số đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Bất động sản chiếm vị trí đầu trong số đăng kí thành lập doanh nghiệp mới với hơn 3.100 doanh nghiệp; doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 117 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Điều này cho thấy sức hấp dẫn và hiệu quả của lĩnh vực bất động sản vẫn được tiếp tục ghi nhận.
Tuy nhiên, chuyên gia từ CBRE cũng cảnh báo, thời gian gần đây, nhà nước và các ngành liên quan đã có những chính sách có thể tác động đến nhiều phân khúc khác nhau của thị trường.
CBRE dẫn chứng Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành nhằm giảm sự phụ thuộc của nhà đầu tư vào tiền vay ngân hàng.
Do đó, nhiều nhà đầu tư sẽ phải hướng đến các quỹ đầu tư nội địa, nhà đầu tư nước ngoài hoặc quỹ đầu tư nước ngoài. Thông tư này được dự báo sẽ tạo ra thách thức mới cho các nhà đầu tư nhỏ ở khắp các phân khúc./.