Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa ra báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học với các công nghệ thế hệ thứ hai trong bối cảnh gia tăng những sức ép kinh tế và mối quan tâm đến tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo UNCTAD, nhiên liệu sinh học hiện chiếm 1% việc sử dụng năng lượng toàn cầu. Trong khi các nguồn năng lượng thay thế đang phát triển nhanh hơn so với bất kỳ nguồn năng lượng khác, nhưng vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất hạn chế trong nhu cầu năng lượng chính.
Nhiên liệu sinh học dự kiến chưa thể thay thế nhiên liệu hóa thạch, nhưng sẽ đóng vai trò bổ sung trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng thế giới.
Sự phát triển nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai có tính cạnh tranh khi được làm từ gỗ, chất thải nông nghiệp hoặc phế thải, chứ không giống như nhiên liệu sinh học thế hệ đầu tiên được làm từ đường và dầu thực vật được tìm thấy trong một số cây trồng.
Theo UNCTAD, các nước đang phát triển cần có các chính sách để tận dụng lợi ích của nhiên liệu sinh học. Cần có một khuyến nghị quan trọng kêu gọi các chiến lược quốc tế tránh tạo khoảng cách về công nghệ giữa nhiên liệu sinh học thế hệ thứ nhất đòi hỏi nhiều đất thâm canh với nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai đòi hỏi nhiều vốn.
Điều này sẽ đặt ra một số thách thức đối với nước đang phát triển phải đảm bảo cung cấp cho những hộ nông dân nhỏ khỏi những gánh nặng chi phí không đáng có, tạo dòng chảy liên tục của đầu tư tư nhân và công nghệ sản xuất.
Các nước đang phát triển cần tạo thuận lợi cho thương mại bằng cách tham gia tư vấn và áp dụng các quy tắc tương thích với các quy tắc phát triển bền vững được áp dụng tại các thị trường lớn.
Báo cáo của UNCTAD đã cập nhật các dữ liệu và thông tin toàn diện về thị trường nhiên liệu sinh học, trong đó lưu ý rằng năm 2014 nhiên liệu sinh học ethanol và diesel đã trở thành sản phẩm giao dịch thường ngày trong tất cả các châu lục nhờ vào sử dụng trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là cho phương tiện đường bộ.
Quan trọng hơn là sự xuất hiện của thị trường thay thế nhiên liệu sinh học chất lỏng, mà được sử dụng trong ngành mang tính thương mại như hàng không, phát điện, năng lượng để nấu ăn và thậm chí trong cả lĩnh vực vận tải biển./.