Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/12 đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận về giới hạn mức sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ cây nông nghiệp trong ngành giao thông vận tải, trước những chỉ trích rằng cách làm này sẽ chỉ đẩy cao giá lương thực và có hại nhiều hơn là có lợi cho môi trường.
Theo Ủy viên Hội đồng năng lượng EU Guenther Oettinger, việc trì hoãn này sẽ gây thiệt hại cho những cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ các nguồn như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và tác động tiêu cực tới nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Năm ngoái, nhằm đáp lại những cảnh báo về lạm phát giá lương thực và những hậu quả không lường trước tới môi trường, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã đề xuất giữ tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ cây nông nghiệp như ngô hoặc cải dầu là 5%.
Trong khi đó, mục tiêu hiện tại của tổ chức này vẫn là đạt tỷ lệ sử dụng nhiên liệu từ các nguồn năng lượng tái tạo cho giao thông là 10% vào năm 2020, chủ yếu sẽ dựa trên nguồn nhiên liệu từ các cây lương thực. Nghị viện châu Âu (EP) lại ủng hộ tỷ lệ 6%. Tuy nhiên, cả hai mức này đều vấp phải sự phản đối từ ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học. Ngành công nghiệp này của EU đã đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ mục tiêu ban đầu 10% và buộc tội việc EC "quay ngoắt 180 độ" sẽ làm cho nhiều nhà máy bị đóng cửa và cắt giảm việc làm.
Hội nghị các bộ trưởng năng lượng EU lần này nhằm thảo luận một mức thỏa hiệp mới là 7% trên cơ sở đề xuất của Litva, nước đương kim Chủ tịch EU. Tuy nhiên, các bên vẫn tiếp tục chia rẽ. Một số nước như Ba Lan và Hungary cho rằng mức 7% là quá thấp, trong khi Đan Mạch và Bỉ lại cho là quá cao. Một số nước khác đề nghị thỏa thuận cần dựa trên những con số mang tính thực tiễn.
Theo Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghiệp nhiên liệu sinh học Đức Elmar Baumann, dự thảo thỏa thuận hiện tại chưa bao gồm những qui định phù hợp giúp ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng mưa nhiệt đới, trong khi lại ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học và nông nghiệp của EU. Vì vậy, các bên cần thêm thời gian để có một cách tiếp cận hiệu quả hơn. Trong khi đó, đại diện các nhà hoạt động phản đối nhiên liệu sinh học tiếp tục cảnh báo EU rằng việc sử dụng lương thực để sản xuất nhiên liệu là một chính sách "lỗi thời và kì dị" cần phải được chấm dứt.
Hy Lạp, nước giữ ghế chủ tịch luân phiên EU từ tháng 1/2014, sẽ thay Litva tiếp nhận hồ sơ về nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhân sự của một số cơ quan thuộc EU trong năm tới, trong đó có cuộc bầu cử EP vào tháng 5 và nhiệm kỳ hiện tại của EC kết thúc vào tháng 10, thỏa thuận nói trên sẽ chỉ có thể đạt được sớm nhất là vào năm 2015./.