UNDP đánh giá cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số

Tổng Giám đốc UNDP nhận định tiếng nói và sự hiểu biết của phụ nữ dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Ngày 9/11 tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phụ nữ dân tộc thiểu số và các vấn đề phát triển” với sự tham gia của 20 phụ nữ dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang, Đắc Lắc.

Tổng Giám đốc UNDP, bà Helen Clark; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng một số lãnh đạo nữ trong Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tham dự.

Phát biểu khai mạc, bà Helen Clark cho biết hiện nay trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tiến gần tới thời hạn hoàn tất các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ năm 2015, đồng thời bắt đầu thảo luận đề xuất nghị sự phát triển của thế giới trong giai đoạn mới, một trong những tồn tại và thách thức lớn đặt ra hiện nay là tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số. Vì thế, tiếng nói và sự hiểu biết của phụ nữ các dân tộc thiểu số, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đẩy mạnh tiến độ thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, cũng như xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Cũng theo bà Helen Clark, Việt Nam đã đạt được tiến bộ ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và đã đạt được phần lớn các mục tiêu vào năm 2015 ở cấp quốc gia, đặc biệt về xóa đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục tiểu học.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần có một kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiến độ thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ với lộ trình rõ ràng.

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định ở Việt Nam, Hiến pháp đã khẳng định quyền bình đẳng nam nữ và được cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ và nội luật hóa các quy định của Công ước này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh trong vai trò lãnh đạo và quản lý, tỷ lệ nữ trong các cơ quan Chính phủ được duy trì ổn định, 24,4% đại biểu Quốc hội là phụ nữ, trong đó có 39 đại biểu nữ dân tộc thiểu số.

Ở các địa phương nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Phụ nữ dân tộc thiểu số được bình đẳng trong ứng cử, đề cử, bầu cử, được vay vốn phát triển sản xuất.

Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số được phát huy. Các nữ dân tộc thiểu số ngày càng được thực hiện quyền bình đẳng từ trong gia đình đến hoạt động xã hội, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc nước Việt Nam thống nhất.

Tại tọa đàm, Tổng Giám đốc UNDP, bà Helen Clark và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã lắng nghe phụ nữ dân tộc thiểu số chia sẻ quan điểm về những thách thức phát triển trong tương lai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục