Ưu tiên chính sách cải thiện đời sống của nông dân

Nhiều đại biểu nhấn mạnh tới yêu cầu một hệ thống chính sách đồng bộ cho người nông dân - bộ phận còn chịu nhiều thiệt thòi.
Chiều 27/5, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2010.

Đánh giá về kết quả kinh tế-xã hội năm 2009 và những tháng đầu năm, các đại biểu cơ bản nhất trí Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thử thách, sớm ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá, đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn những điều đáng suy nghĩ như sự chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư; gánh nặng về chi phí y tế, giáo dục, đi lại đối với các hộ nghèo; rừng bị tàn phá, sông bị ô nhiễm… Đại biểu Quốc hội chưa thật sự yên tâm với kết quả tăng trưởng.

Tập trung cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Xung quanh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) cho rằng Chính phủ chưa đề ra được giải pháp thỏa đáng. Nông dân nói chung và nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn nghèo, đời sống khó khăn, cơ sở vật chất còn yếu kém; công tác quản lý kinh doanh, liên kết 4 nhà còn lỏng lẻo…

Đại biểu kiến nghị tăng cường đầu tư hơn nữa hạ tầng cơ sở nông nghiệp nông thôn; tổ chức tốt bình ổn giá lúa gạo; kiểm soát việc đăng ký giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống thủy lợi; đào tạo nông dân thời kỳ hội nhập. Đại biểu đề xuất, trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, cần có những giải pháp tăng cường liên kết vùng và liên kết bốn nhà, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sản xuất.

Đại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) thì đề nghị Chính phủ xây dựng chương trình giảm nghèo mang tính tổng thể hơn trong đó lồng ghép nội dung của các Chương trình 135, 134 trước đây đồng thời tăng vốn và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư cho 62 huyện nghèo.

Các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) và nhiều đại biểu khác đều nhấn mạnh tới yêu cầu một hệ thống chính sách đồng bộ cho người nông dân - bộ phận còn chịu nhiều thiệt thòi, được hưởng ít nhất những thành quả phát triển của đất nước.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) phản ánh người nông dân chưa thực sự hài lòng với cách quản lý điều hành để đảm bảo đầu ra cho nông sản khi mà điệp khúc “trúng mùa rớt giá” thường xuyên diễn ra. Nông dân phải đang phải đối mặt với áp lực sụt giá mạnh các mặt hàng nông sản..

Đại biểu kiến nghị cần có một cơ chế bảo đảm đầu ra cho nông sản, bảo đảm quyền lợi của nông dân; tránh tình trạng bị ép giá, được mùa rớt giá. Người nông dân làm chủ ruộng đồng, sản xuất ra nông sản hàng hóa nhưng lại không làm chủ được giá bán, luôn thắc thỏm lo âu mỗi khi được mùa.

Cùng quan điểm về những tồn tại trong việc thực hiện chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) nêu vấn đề nhiều người nông dân phản ánh tình trạng buông lỏng trong quản lý vật tư, phân bón diễn ra ở nhiều nơi. Trên thị trường hiện có nhiều phân bón, thuốc trừ sâu giả, trong khi đó, cơ quan chức năng, bộ chuyên ngành chưa có giải pháp triệt để.

Ông Tâm cũng đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạn chế bớt đầu tư “làm đẹp” hè phố, cảnh quan, tổ chức lễ hội để tập trung cho đầu tư xây dựng công trình nông thôn, nhằm cân đối đầu tư giữa đô thị, thành thị và nông thôn.

Cũng đề xuât những chính sách cho nông dân, Đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho nông dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang bắt đầu chịu tác động từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ông Phước đề nghị Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đặc thù từ khu vực Cần Giờ cho đến bán đảo Cà Mau trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chính phủ cũng cần sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho nông dân tích tụ đất nông nghiệp nhiều hơn để có điều kiện sản xuất, trồng trọt.

Tập trung giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội

Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) cho rằng, việc giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế với chăm lo các vấn đề xã hội; quan hệ giữa tăng thu ngân sách với bảo vệ tài nguyên môi trường, giữa đáp ứng nhu cầu vật chất và việc chăm lo tinh thần cho nhân dân có lúc, có nơi, có lĩnh vực không được suôn sẻ.

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch cao trong khi những chỉ tiêu không đạt đều thuộc về lĩnh vực xã hội, giáo dục và môi trường. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có hành động cam kết vì sự phát triển bền vững của đất nước bằng việc chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, phá hủy môi trường, không vì lợi ích trước mắt mà chấp nhận tổn hại lợi ích lâu dài, không vì lợi ích của ngành, của địa phương mà tổn hại lợi ích đất nước.

Cụ thể như chỉ đạo giải quyết những tồn tại trong chương trình giảm nghèo, bảo hiểm y tế cho đối tượng nghèo, đảm bảo các chế độ chính sách đã ban hành đến được với người dân.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) khẳng định Việt Nam đang đối mặt với không ít yếu kém làm chậm trễ quá trình đổi mới như rừng bị phá gần hết dẫn đến thiên tai ngày càng nặng nề, tài nguyên khoáng sản bị khai thác tràn lan; hiệu quả công tác khoa học công nghệ chưa tương xứng với ngân sách; nông dân hàng năm vẫn phải loay hoay với dịch bệnh; chưa phát triển được công nghệ vi sinh vật; nợ công cao, số người nghèo còn đông mà lễ hội tổ chức hoành tráng khắp nơi...

Những hạn chế cần khắc phục

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phân tích ba hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới sau ba năm Việt Nam gia nhập WTO, đó là chưa khắc phục tình trạng mất cân đối khi nhập siêu quá lớn; thị trường trong nước có biểu hiện khách lấn chủ; một số ngành vẫn được bảo hộ bằng mức thuế quan khá cao, hạn chế người dân trong nước sử dụng sản phẩm tốt giá rẻ; thị trường ngoài nước bị chèn ép.

Ngoài ra còn có các hạn chế về cơ cấu kinh tế, tổ chức xuất khẩu, chất lượng nguồn nhân lực; quản lý chưa chặt chẽ và nhất là tâm lý sùng ngoại, lối sống tiêu thụ ở một bộ phận dân chúng.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nhận xét năm 2009, những chỉ tiêu xã hội vẫn đạt thấp, ổn định kinh tế vĩ mô chưa đạt. Đại biểu cho rằng phải tiếp tục xây dựng lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt coi trọng vấn đề chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với những cách làm cụ thể, thiết thực; giải quyết hiệu quả vấn đề vốn.

Ông Kiêm kiến nghị Chính phủ sớm tiếp tục cải cách hành chính giai đoạn 2; đổi mới và linh hoạt, thích ứng trong điều hành, trước hết là minh bạch, nhất quán trong điều hành chính sách; tăng cường xử lý, giải quyết những vi phạm về quản lý giá, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) cho rằng, vấn đề quan trọng chính là nhân tố con người. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức càng phải được quan tâm trong khi Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền; triệt để phân cấp, phân quyền đi cùng kiểm tra đôn đốc thường xuyên; phát huy vai trò hiệu lực của chính quyền cơ sở.

Giải trình thêm một số nội dung về bội chi ngân sách, quản lý nợ quốc gia, nợ chính phủ, dự báo liên quan đến thu ngân sách và bội chi năm 2009, đại biểu Vũ Văn Ninh (Nam Định), Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách có tăng nhưng không nhanh, trong khi đó còn phải thực hiện giảm động viên để nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích phát triển sản xuất.

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về nợ công, Bộ trưởng cho biết, vay trung hạn và dài hạn là chủ yếu, chiếm 86,5%. Vay ODA chủ yếu cho các công trình quan trọng quốc gia. Cơ cấu nợ khá bền vững, nằm trong tầm kiểm soát, không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ.

Điều quan trọng là Việt Nam đã trả đầy đủ các khoản nợ ngắn hạn, không có nợ xấu, cũng không có khoản nào đến hạn mà không trả được nợ. Nếu dư nợ thấp nhưng không trả được nợ thì cũng là nguy cơ lớn. Dư nợ ở mức vừa phải, vẫn đảm bảo được mức độ phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận công tác dự báo chưa tốt, chưa sát thực tế nhưng cũng do những đặc điểm đặc thù về bối cảnh năm 2008-2009.

Giải thích về nguyên nhân của việc chưa đạt một số chỉ tiêu an sinh xã hội trong năm 2009, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Hải Dương) cho rằng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sản xuất bị thu hẹp cả trên thế giới, khu vực và trong nước nên nhiều chỉ tiêu cũng bị tác động dây chuyền.

Thảo luận thêm với Quốc hội về công tác tái cấu trúc nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (Thanh Hóa) cho rằng trong quá trình này, khâu đột phá là nguồn nhân lực. Phải xây dựng nguồn nhân lực với hàm lượng tri thức khoa học được đào tạo cao mới đảm bảo thực hiện thành công tái cấu trúc nền kinh tế, Bộ trưởng nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước 2009 và những tháng đầu năm 2010, Quốc hội đánh giá cao kết quả đã đạt được và cho rằng nguyên nhân cốt lõi của thành quả này là việc Chính phủ đã nắm sát tình hình quốc tế và trong nước, bám sát mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn của đất nước để kịp thời chuyển hướng lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách phù hợp với tình hình.

Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách đủ tầm cho vấn đề nông nghiệp nông thôn, nông dân, nhất là công trình giao thông, đào tạo nghề cho lao động, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Cần có chương trình trung và dài hạn, không bó hẹp trong địa giới hành chính địa phương khi xây dựng cơ cấu kinh tế.

Các đại biểu cũng đề nghị cần kiên trì xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều hành quản lý của Nhà nước; chú ý quan tâm nhiều hơn đến chất lượng công tác y tế nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Việc kết hợp tài khóa với tiền tệ cần tích cực kiềm chế lạm phát, chú ý tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân./.

Thanh Hòa-Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục