Ủy ban châu Âu hết sức lo ngại về nền kinh tế Bỉ

Với đầu đề “EC hết sức lo ngại về nền kinh tế Bỉ,” bài đăng trên trang Flandersnews cho biết EC đang theo dõi chặt chẽ nền kinh tế Bỉ.
Với đầu đề “EC hết sức lo ngại về nền kinh tế Bỉ,” bài đăng trên trang mạng Flandersnews cho biết Ủy ban châu Âu (EC) thông báo rằng họ đang theo dõi chặt chẽ nền kinh tế Bỉ.

Hiện Bỉ đã mất vị thế hàng đầu vốn có trong cuộc chạy đua nhằm duy trì sức cạnh tranh và nghành xuất khẩu của Bỉ hiện cũng không còn hoạt động tốt như trước.

Các quy định mới của châu Âu về quản lý ngân sách và nền kinh tế, được gọi là “Six Pack,” nêu rõ các nước thành viên có một loạt lĩnh vực kinh tế hoạt động yếu kém có thể sẽ được EC quan tâm tới nhiều hơn.

Cao ủy phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Olli Rehn đã thông báo rằng Bỉ hiện nằm trong số 12 nước mà nền kinh tế đang bị Ủy ban châu Âu “giám sát.”

Bỉ cùng với các cường quốc kinh tế khác như Pháp và Anh đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của Brussels một phần do mất khá nhiều thị phần tại các thị trường xuất khẩu.

Bỉ vốn khá mạnh về xuất khẩu, nhưng nay lĩnh vực này không còn hoạt động tốt. Và kết quả là lượng tiền mà các công ty còn nợ ngày càng lớn.

Ủy ban châu Âu đang lo ngại rằng điều này kết hợp với mức nợ công khá cao của Bỉ có thể gây ra những vấn đề cho toàn bộ nền kinh tế nước này. Việc giám sát của EC đối với nền kinh tế của Bỉ có thể dẫn đến hậu quả là các khoản phạt sẽ bị áp đặt.

Trước đó, theo Euobsever, một báo cáo sơ bộ của EC dựa trên các chỉ số kinh tế vĩ mô trên toàn Liên minh châu Âu cho tới năm 2010 đã đưa ra lời cảnh báo rằng 12 nước, bao gồm Italy và Tây Ban Nha đang có nguy cơ rơi vào các cuộc khủng hoảng mới do nợ công tăng và sức cạnh tranh giảm.

Báo cáo với nhan đề "Alert Mechanism Report" - được công bố ngày 14/2 - đã chỉ rõ Bỉ, Bulgaria, Cyprus, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Italy, Hungary, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh cần có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các chính sách kinh tế vĩ mô của những nước này.

Olli Rehn nhấn mạnh: “Các chính sách tài chính hợp lý và sự phát hiện cũng như điều chỉnh sớm nguy cơ mất cân đối kinh tế là những điều kiện cần thiết để trở lại tình trạng tăng trưởng bền vững và tạo được việc làm.”

Dựa trên 10 chỉ số như giá nhà, các khoản vay tư nhân, thâm hụt công và hoạt động xuất khẩu, báo cáo lúc đầu chỉ ra Italy, Tây Ban Nha, Hungary và Cyprus “là các trường hợp nguy cấp.”

Song trong văn bản chính thức, tất cả 12 nước đã bị xếp vào cùng một phạm trù trên, ngay cả khi tình trạng bong bóng nhà ở và mức gia tăng nợ công ở Đan Mạch và Thụy Điển không nghiêm trọng như vấn đề nợ công quá cao của Italy./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục