Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (margin) đối với các cổ phiếu thuộc họ FLC gồm FLC, AMD, KRF, ART, HAI, ROS, GAB.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc yêu cầu này nhằm thực hiện công tác quản lý, giám sát về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán theo quy định tại khoản 5, Điều 29 Thông tư 121/2020-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.
Các nội dung báo cáo được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu bao gồm: Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của tất cả các tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty chứng khoán và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay giao dịch ký quỹ tương ứng theo từng mã chứng khoán theo mẫu đính kèm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị các công ty chứng khoán gửi báo cáo trước ngày 8/4/2022.
Liên quan đến vụ việc tại Tập đoàn FLC, ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết từng giữ chức Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố, tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán khiến các cổ phiếu thuộc họ FLC có những phiên biến động mạnh, liên tục giảm sàn trắng bên mua, sau đó lại tăng trần đồng loạt.
[FLC đề nghị tạm dừng giao dịch cổ phiếu để điều tra bất thường]
Tập đoàn FLC cho hay vụ án liên quan "việc cá nhân" của ông Quyết trong giao dịch mua, bán chứng khoán.
Tính đến tháng 1/2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, tương đương khoảng 30% vốn, cùng hàng chục triệu cổ phiếu tại các công ty thành viên cảu tập đoàn này.
Hiện ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch FLC và Bamboo Airways, đảm nhiệm vai trò chủ tịch ở cả hai doanh nghiệp thay ông Quyết.
Vụ án khiến Chủ tịch FLC và những người khác bị điều tra bắt nguồn từ việc chiều 10/1 ông Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước đó.
Ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) đã ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này. Đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư cũng được hoàn lại tiền đã mua cổ phiếu FLC./.