Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ủng hộ dừng do thám hàng loạt

Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã trở thành ủy ban tiếp theo ủng hộ dự luật chấm dứt chương trình do thám hàng loạt của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ủng hộ dừng do thám hàng loạt ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Roger. (Nguồn: AFP)

Ngày 8/5, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã trở thành ủy ban tiếp theo ủng hộ dự luật chấm dứt chương trình do thám hàng loạt của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Đây được xem là một tín hiệu thuận lợi giúp đẩy nhanh quá trình thông qua dự luật này tại hai viện Quốc hội.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Roger cho biết ủy ban trên đã nhất trí thông qua dự luật có tên gọi đầy đủ là Đạo luật Tự do Mỹ vừa được Ủy ban Tư pháp Hạ viện phê chuẩn.

Chủ tịch Roger bày tỏ mong muốn hợp tác với Ủy ban Tư pháp Hạ viện, giới lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện cũng như các quan chức Nhà Trắng để giải quyết những vấn đề tồn đọng nhằm hướng tới việc ký thành luật dự thảo trên trong năm nay.

Theo giới phân tích, động thái này sẽ mở đường cho dự luật trên nhanh chóng được thông qua tại Hạ viện và sau đó là Thượng viện. Tuy nhiên, văn kiện này hiện vẫn đang vấp phải rào cản từ một số ủy ban thuộc Thượng viện.

Trong khi đó, Nhà Trắng đánh giá Đạo luật Tự do Mỹ là một "bước đi tốt," đồng thời bày tỏ mong muốn Hạ viện sẽ sớm thông qua văn kiện này "trong tương lai gần."

Trước đó một ngày, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật trong một nỗ lực mạnh mẽ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nhằm chấm dứt hoạt động đã đẩy nước Mỹ rơi vào vụ bê bối ngoại giao lớn.

Nếu có hiệu lực, văn kiện này sẽ cấm toàn bộ các hoạt động do thám điện thoại của NSA, gồm việc thu thập các số đã gọi, thời gian và thời lượng các cuộc đàm thoại.

Dự luật cũng yêu cầu Tòa án Giám sát Tình báo Đối ngoại (FISA), một cơ quan mật, chỉ cấp giấy phép dựa trên sự giải thích rõ ràng của cơ quan tình báo đối với các trường hợp tình nghi cần theo dõi điện thoại, hoặc trong trường hợp có liên quan đến một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Dự luật đồng thời đề nghị lập ủy ban gồm các chuyên gia pháp lý để đảm bảo FISA sẽ tuân thủ các quyền riêng tư và quyền hiến định.

Các công ty viễn thông có quyền công bố nhiều thông tin hơn liên quan đến các yêu cầu cung cấp dữ liệu của chính phủ, động thái được đánh giá sẽ làm tăng tính minh bạch của FISA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục